Xung quanh vấn đề này, Luật sư Đào Liên - Công ty luật Tiền Phong Hà Nội cho biết: Xét ở góc độ pháp lý, ông Tình bà Chúc là chủ sử dụng đất hợp pháp, có sử dụng đất trên thực tế, phù hợp với quy hoạch nên mới được Nhà nước công nhận qua việc được xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ, đã có GCN nhưng chưa được nhận là do lỗi của cơ quan nhà nước, điều này gây ra những hạn chế và thiệt thòi cho ông bà Tình trong quá trình sử dụng đất, thậm chí đang đối diện với nguy cơ bị “cướp trắng” như những gì đã và đang diễn ra trong 7 năm qua.
Trước hết, về quyền lợi khi bị Nhà nước thu hồi đất thì ông Tình, bà Chúc được hưởng chính sách bồi thường, tái định cư theo Điều 42 Luật Đất đai 2003 (có hiệu lực tại thời điểm thu hồi), việc bồi thường có thể là được giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Nội dung bồi thường hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP; Nghị định 69/2009/NĐ-CP.
Việc UBND xã Bắc Sơn trả lời cơ quan báo chí diện tích đất tranh chấp là đất công là cố tình nói sai sự thật, bởi:
Thứ nhất: UBND là đơn vị kê khai cấp GCNQSDĐ, hiện có sổ theo dõi còn lưu thông tin, nên không thể không biết;
Thứ hai: Trong quá trình sử dụng đất, ông Tình cho ông Tấn thuê, có đóng góp kinh phí cho địa phương (hiện ông Tình còn giữ bản gốc phiếu thu), UBND xã không thể không biết;
Thứ ba: Năm 2016, UBND xã có công văn gửi Báo Hà Nội mới đề nghị đăng tin để cấp lại GCNQSDĐ do thất lạc cho ông Tình, bà Chúc, nên không thể nói UBND xã không biết!
Như vậy là UBND xã Bắc Sơn đã cố tình kê khai sai nguồn gốc đất trong hồ sơ giới thiệu địa điểm xây dựng Nhà máy gạch cho Công ty Gốm Bắc Sơn, dẫn tới việc ông Tình, bà Chúc bị thu hồi đất nhưng không được nhận tiền bồi thường.
Trong các biên bản hòa giải về giải quyết tranh chấp đất đai giữa vợ chồng ông Tình, bà Chúc với Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Bắc Sơn (Công ty Gốm Bắc Sơn) có sự tham gia của ông Trần Bá Tấn; ông Tấn khai có mua lại đất của vợ chồng ông Tình nhưng không xuất trình được hợp đồng, trên thực tế, hai bên cũng chưa từng kê khai, đăng ký biến động, UBND xã Bắc Sơn yêu cầu phải cung cấp tài liệu hợp đồng để làm căn cứ giải quyết. Trong khi ông Tấn không cung cấp được tài liệu thì được biết, UBND xã Bắc Sơn đã “vội vã” ra báo cáo khẳng định giao dịch đã hoàn thành, ông Tấn đã “mua” xong và được UBND xã đồng thuận cho góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất vào Công ty Gốm Bắc Sơn từ năm 2011!
Vấn đề ở đây là: Không hề có hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Tình và ông Tấn; không có việc các bên kê khai, đăng ký biến động và chuyển quyền sử dụng theo quy định, nhưng ông Tấn vẫn được UBND xã đồng thuận dùng “quyền sử dụng đất ảo” này góp vào Công ty Gốm Bắc Sơn trong khi UBND xã không có chức năng và thẩm quyền để thực hiện việc này. Xin được lưu ý, ngày 25-7-2016, cũng chính UBND xã Bắc Sơn hướng dẫn ông Tình xin cấp lại GCNQSDĐ thất lạc và có văn bản đề nghị báo Hà Nội mới đăng tin thất lạc GCN. Như vậy là ở đây UBND xã Bắc Sơn biết về ai là chủ sử dụng đất thực sự nên mới thực hiện như vậy.
Một trách nhiệm nữa của UBND xã Bắc Sơn, có liên quan đến trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn là: Khi dự án chưa được UBND thành phố phê duyệt, chưa được chấp thuận địa điểm theo quy định như báo chí đã đưa tin (tóm lại là chưa có hồ sơ pháp lý) nhưng hai cấp chính quyền này đã cho phép Công ty Gốm Bắc Sơn vào tiếp nhận đất xây dựng nhà máy!
Như vậy, cho thấy những sai phạm của cán bộ UBND xã Bắc Sơn là quá rõ ràng, đổi trắng thay đen sự thật; có thể khẳng định có sự “câu kết” của Cán bộ UBND xã Bắc Sơn với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy gạch Tuynel là Công ty Gốm Bắc Sơn để kê khai, xác nhận sai sự thật về nguồn gốc sử dụng đất, khiến cho vợ chồng ông Tình, bà Chúc bị “mất” hơn 11.000m2 đất mà không được bồi thường. Những sai phạm của Cán bộ UBND xã Bắc Sơn cần phải bị xử lý nghiêm - luật sư Liên nói!
Bài và ảnh: Doanh Chính