Viết tiếp bài: Hà Tĩnh cần làm rõ chuyện thương binh giả (23/05/2013)

Để có cơ sở xác minh, kết luận về trường hợp Thương binh của bà Nguyễn Thị Lý ( hiện là thủ quỹ xã Đức Yên - Đức Thọ ), báo CCB Việt Nam đăng tiếp phần 2: “ Lộ diện một thương binh giả “

Mâu thuẫn trong khai báo hồ sơ

Trong lí lịch của người xin vào Đảng (năm 2000), bà Lương Thị Lý khai: “Nơi sinh: xã Đức Yên. Năm 1974 học hết lớp 7 về tham gia thanh niên địa phương xã Sơn Thọ, huyện Hương Sơn. Tháng 11 năm 1974 xung phong đi dân công hỏa tuyến mặt trận Trung Lào. Tháng 4 năm 1975 hoàn thành nhiệm vụ về địa phương. Đến tháng 10/1975 lập gia đình. Tháng 6 năm 1990 về sinh sống quê cũ xã Đức Yên – Đức Thọ”. Nhưng kèm theo hồ sơ của bà Lương Thị Lý lại có giấy Chứng nhận với nội dung: “Lương Thị Lý, quê quán và trú quán đều tại xã Đức Yên, huyện Đức Thọ là chiến sĩ thuộc đơn vị C2 dân công hỏa tuyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu từ tháng 11 năm 1974 đến tháng 11 năm 1975”, đóng dấu của một đơn vị quân đội và kí tên Thiếu tá Nguyễn Độc Lập. ![](/Pictures/2013/Tháng 5/16-30/khác/23513- Thi.JPG) Hồ sơ lý lịch Đảng trích ngang của bà Lý lưu tại phòng trực Đảng của Đảng uỷ xã Đức Yên Điều bất hợp lý là bà Lý đã về địa phương từ tháng 4 năm 1975, lấy chồng tháng 10/1975, nhưng lại có giấy chứng nhận hoạt động phục vụ chiến đấu đến hết tháng 11 năm 1975? Nội dung giấy chứng nhận này cũng không chính xác, vì tại thời điểm 1975, bà Lý đang sinh sống tại xã Sơn Thọ nhưng giấy lại ghi trú quán ở xã Đức Yên. Mặt khác, ông Nguyễn Đình Lân, nguyên tiểu đội trưởng đơn vị dân công phụ trách bà Lý khẳng định các thành viên trong đội của ông hoàn thành nhiệm vụ xong là về, không ai được cấp giấy tờ xác nhận gì cả, và ông cũng chưa từng nghe thủ trưởng nào có tên là Nguyễn Độc Lập. Chúng tôi đã dùng kính lúp soi, hoặc quan sát kĩ bằng mắt thường cũng thấy số 1 trong dòng 1971 đã bị chữa thành số 4(1974) và số 3 trong dòng chữ 1973 đã bị chữa thành số 5 (1975). Như vậy, nhiều khả năng đây là giấy tờ giả mạo? Chứng nhận sai sự thực

Để có thêm bằng chứng chứng minh việc khai man hồ sơ của bà Lý, chúng tôi nêu lên trường hợp bà Nguyễn Thị Thái, cùng làm hồ sơ với bà Lý nhưng không được công nhận là Thương binh. Bà Thái sinh năm 1952, quê quán ở Thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh. Bà lớn lên chỉ đi học rồi lấy chồng gắn bó với đồng ruộng. Nhưng vì có đợt làm thương binh, nên bà được một số người tư vấn, bịa ra một bộ hồ sơ giả mạo hoàn toàn, trong đó thời gian từ tháng 11- 1974 đến tháng 11năm 1975 đi dân công hoả tuyến trung Lào, có 2 người làm chứng là ông Võ Văn Bút và bà Nguyễn Thị Lý. Trong văn bản ngày 13/9/2002, ông Bút viết: “Chứng nhận bà Nguyễn Thị Thái, Đức Thọ...từ 22/12/1974 tại Lào, bà Thái vận chuyển thương binh đã bị thương, đơn vị C2, bị thương từ 22/11/1974 bị thương tại đầu”. Như vậy là theo ông Bút, bà Thái bị thương 1 tháng trước khi đến Lào?

Bà Lương Thị Lý viết: “Ngày 10/2/2003 tôi làm chứng cho bà Nguyễn Thị Thái đi dân công hỏa tuyến cùng đơn vị tôi”. Để cho “khớp”, trong hồ sơ Đảng viên của bà Lý đã chữa mốc thời gian đi Lào từ tháng 4 sang tháng 11/1975.
Tuy nhiên, tại văn bản được xác nhận ngày 14/2/2003, bà Nghiêm Thị Tứ, nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Yên từ năm 1974 xác nhận bà Thái đã gia nhập lực lượng dân quân tự vệ xã từ tháng 11/1974 đến tháng 11/1975. Với sự vênh nhau này, phải chăng trong thời gian từ tháng 11/1974 tháng 11/1975 bà Thái có phép “phân thân”: vừa đi dân công hoả tuyến tại Lào vừa làm dân quân tự vệ tại Đức Thọ? Bà Thái trong quá trình làm hồ sơ thương binh cũng không có tài liệu gì chứng minh là đã từng đi Lào. Qua trao đổi với PV, bà Lương Thị Lý thừa nhận đã chứng nhận sai sự thực cho bà Nguyễn Thị Thái vì có mối quan hệ thân tình. Theo nguồn tin mới nhất của ông Đức, người đứng ra tố cáo bà Lý làm hồ sơ giả cho biết: Khi đoàn kiểm tra tiến hành làm việc, xem xét các giấy tờ liên quan, bà Lý bước đầu đã thừa nhận: Tất cả hồ sơ khai để hưởng chế độ Thương binh đều ghi sinh năm 1956 ( Trong khi đó các hồ sơ liên quan khác đều ghi năm sinh của bà Lý là 1957 ).

Về trường hợp ông Bút, ông là người đã đứng ra làm chứng cho khoảng gần chục trường hợp bị thương của dân công hoả tuyến, nhưng trong lý lịch Đảng của ông không có một dòng nào chứng minh ông chỉ huy dân công hoả tuyến tại Lào. Cụ thể: Lý lịch Đảng của ông Bút trang thứ 2, dòng 11 từ trên xuống ghi: năm 1968 – 1975 Đảng uỷ kiêm xã đội trưởng Sơn Bằng. Trang 9, dòng 2 từ trên xuống ghi: Tháng 3/1975 vẫn là xã đội trưởng. Như vậy theo lý lịch Đảng, ông Bút chả có một ngày nào chỉ huy dân công hoả tuyến ở Lào, vậy mà ông dám đứng ra làm chứng cho bà Lý và gần 10 trường hợp khác.

Như vậy, không những tự mình khai man lý lịch mà còn tiếp tay chứng nhận làm hồ sơ thương binh giả cho những người khác. Chắc chắn bà Lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật về những việc mình làm. Từ đây, dần hé lộ một đường dây làm thương binh giả ở Đức Thọ - Hà Tĩnh hơn 10 năm về trước.

Anh Thi - Đức Đạo