Viết tiếp bài “Hà Nam: Phong tỏa, kê biên tài sản một doanh nghiệp”: Lộ số tiền khủng công ty cũ của bà Nguyệt Hường đầu tư ra bên ngoài

Như Báo CCB Việt Nam thông tin ở bài viết về việc gần đây TAND và Chi Cục THA tỉnh Hà Nam phong tỏa, kê biên tài sản của Công ty CP Phát triển Hà Nam (Cty HNC). Đây là doanh nghiệp một thời do Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group) của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - cựu đại biểu Quốc hội trước khi bị bãi nhiệm làm Chủ tịch và chồng bà này là ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hà Hải Việt Nam là người đại diện pháp luật mua lại cổ phần. Số tiền bị phong tỏa lên tới gần một nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, sau 4 lần cổ đông sáng lập Cty HNC là ông Phạm Văn Ảnh gửi đơn, ngày 3-11-2017, TAND tỉnh Hà Nam mới chấp nhận đơn, ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa, kê biên tài sản Cty HNC.
Tiếp đó, ngày 7-11-2017, Cục THA dân sự tỉnh Hà Nam cũng ban hành quyết định thực hiện thi hành án chủ động, tiến hành kê biên, cấm chuyển dịch, cấm thay đổi hiện trạng tài sản vô hình, hữu hình đang tranh chấp; phong tỏa tiền mặt ở nơi cất giữ quỹ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu tại KCN Đồng Văn II và Khu nhà ở phục vụ khu công nghiệp của Cty HNC...
Ngoài tài sản vô hình, hữu hình đang tranh chấp như hợp đồng, con dấu, hồ sơ thay đổi và giấy chứng nhận kinh doanh, đất tại KCN, khu nhà ở phục vụ, tiền mặt gửi tại ngân hàng còn có một khoản tiền rất lớn đầu tư ra bên ngoài cũng bị phong tỏa.
Cụ thể, 582,079 tỷ đồng được Cty HNC đem kinh doanh chứng khoán (trong đó mua cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam số tiền hơn 534,749 tỷ đồng và mua cổ phiếu tại công ty Quang Minh hơn 47,33 tỷ đồng); số tiền 10,4 tỷ đồng đầu tư mua trái phiếu tại Cty TNHH Phát triển bất động sản LH; số tiền 214,1 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết (trong đó mua trái phiếu tại công ty Hà Trung số tiền 12,1 tỷ đồng, mua trái phiếu tại Cty CP Đầu tư phát triển VID số tiền 12 tỷ đồng và mua trái phiếu Cty CP Đầu tư phát triển Mùa Đông số tiền 190 tỷ đồng) bị kê biên, phong tỏa tạm thời.
Liên quan đến số tiền phong tỏa kê biên trên, trước đó, theo hồ sơ, tài liệu, ngày 21-4-2007, ông Phạm Văn Ảnh đại diện 98,03% cổ phần tại Cty HNC (ông Ảnh hiện là Chủ tịch HĐQT Cty CP tập đoàn ATA - PV), đã ký Hợp đồng số 01/2007/HĐCNCP chuyển nhượng 98,03% số cổ phần đã góp vốn điều lệ tại Cty HNC cho VID Group (đại diện pháp luật bởi ông Trần Anh Tuấn, địa chỉ tại 115 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; địa chỉ giao dịch: Tầng 25, tòa nhà TNR TOWER, số 54A Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) và cá nhân ông Trần Anh Tuấn, thường trú tại 30 Hàng Thiếc, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, cổ đông mới đã không thực hiện theo một số điều khoản như hợp đồng đã ký kết; thậm chí sau này còn khởi kiện lại cổ đông cũ về một số hợp đồng mà như hai bên đã giao kèo (Báo CCB Việt Nam đề cập ở những bài viết trước).
Được biết, số tài sản tranh chấp bị áp dụng phong tỏa, trước đó VID Group và ông Trần Anh Tuấn còn chuyển nhượng cho những cổ đông mới, khiến cho sự việc tranh chấp càng trở lên phúc tạp.
Hiện nay những cổ đông mới đang sở hữu số cổ phần là: Cty CP bất động sản HANO-VID (Giấy chứng nhận kinh doanh số 0105025361, đại diện là ông Phạm Đình Cao, địa chỉ 430 Cầu Am phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội); Cty Thương mại - Xây dựng - Quảng cáo Việt Hân, Giấy chứng nhận kinh doanh số 0105025361, đại diện ông Phạm Đình Cao, địa chỉ: số 202 Hồ Tùng Mậu phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội); bà Bùi Bích Thảo, địa chỉ 124 ngõ Hàng Cỏ phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo đơn của ông Phạm Văn Ảnh gửi TAND tỉnh Hà Nam, thì những cổ đông mới nêu trên đang sử dụng, nhận chuyển nhượng bất hợp pháp 98,03% cổ phần thuộc sở hữu hợp pháp của cổ đông sáng lập Cty HNC (tức số cổ phần của ông Ảnh). Lý do ông Ảnh cho rằng VID Group và ông Trần Anh Tuấn khi chưa thực hiện xong Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 đã ký năm 2007; sự việc vẫn còn đang tranh chấp, chưa được hai bên giải quyết dứt điểm thì ngày 25-9-2012 và ngày 25-12-2013, ông Trần Anh Tuấn đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mua được cho bà Đặng Thị Minh Yến và bà Bùi Thị Bích Thảo. Tiếp đó, ngày 20-6-2015, bà Yến, tiếp tục chuyển nhượng số cổ phần mua được từ VID Group và ông Trần Anh Tuấn cho những cổ đông mới như nêu trên.
Chính vì vậy ông Ảnh có đơn yêu cầu Tòa án cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra và ngăn chặn việc tẩu tán, chiếm đoạt tài sản của những cổ đông sáng lập…
Trong đơn gửi Tòa án, ông Ảnh còn đề nghị làm rõ đối tượng đang tranh chấp và tài sản tranh chấp đang ở trong tình trạng nào, để làm căn cứ xét xử vụ án.
Ngoài ra, ông Ảnh còn kiến nghị cần thành lập Hội đồng Thẩm định giá để thẩm định, định giá đối tượng là các vị trí đất đã đầu tư của 23 Hợp đồng đầu tư của các hộ dân tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II và Hợp đồng thuê lại đất số 27 và 31 Cty HNC đã ký với Cty CP ATA Paint Hà Nam (đây là Công ty con của Cty CP Tập đoàn ATA)… Bên cạnh đó, ông Ảnh còn đề nghị cần có kiểm toán độc lập để vào kiểm toán lại toàn bộ hoạt động đầu tư kinh doanh tại Dự án KCN Đồng Văn do Cty HNC làm chủ đầu tư từ năm 2004 đến ngày 31-12-2016. Bởi lẽ, tại Báo cáo tài chính năm 2016 của Cty HNC một số khoản tiền rất lớn cần phải được làm rõ. Ví như vốn góp chủ sở hữu còn lại đến ngày 31-12-2016 giảm còn hơn 38,8 tỷ đồng; tại sao Công ty lại bị lỗ tới hơn 76 tỷ đồng; đặc biệt những khoản tiền hợp tác đầu tư hơn 1.333 tỷ đồng và khoản tiền cho vay ngắn hạn hơn 625 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Doanh Chính