Viết tiếp bài “Đau lòng cặp vợ chồng CCB 18 năm ngủ ở chuồng trâu… trốn nhiễm điện”: Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng thế nào về dự án đường dây 220kv ảnh hưởng tới đời sống người dân?

Dự án đường dây 220kv chạy qua đất của gia đình CCB Nguyễn Văn Bình khiến cho toàn bộ khu đất nhà ông bao năm nay như căn nhà hoang…

Gần 20 năm trước, Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên triển khai trên địa bàn huyện Đại Từ và TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với chiều dài 40km, đã khiến cuộc sống của người dân có đường dây điện đi qua bị đảo lộn, quyền sử dụng đất của họ bị hạn chế sử dụng… Để giải quyết những kiến nghị của người dân, ngày từ năm 2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản 1722, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, báo cáo nêu: Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên là dự án trọng điểm Quốc gia được đầu tư xây dựng theo cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định 1195/QĐ-TTg ngày 9-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, từ khi đường dây 220kv đóng điện, vận hành vào tháng 4-2007 đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân phản ánh về ảnh hưởng của đường dây đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hằng ngày; họ kiến nghị việc bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng và đề nghị được di chuyển nhà ở, vật công trình kiến trúc ra khỏi hành lang bảo vệ lưới điện.

Để giải quyết những kiến nghị này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên (Đoàn ĐBQH) và  UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần kiểm tra và thấy có hiện tượng nhiễm điện, không an toàn đối với một số hộ dân sinh sống trong hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ). Vì vậy, ngày 15-8-2007, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có văn bản gửi Bộ TNMT, Bộ Công thương, Bộ KHCN về việc “đề nghị giải quyết kiến nghị của công dân”. Ngày 24-8-2007, UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản 1116 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc “giải quyết vướng mắc của dự án đường dây 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên”, nhằm giải quyết đề nghị chính đáng về quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân do ảnh hưởng của đường dây 220kv.

Trên cơ sở kiến nghị, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở tiến hành khảo sát, kiểm tra, xem xét những kiến nghị của người dân sinh sống trong hành lang bảo vệ ATLĐ 220kv. Kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Bộ TNMT kết luận “nhà ở và công trình của các hộ dân đủ điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ ATLĐ 220kv theo quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ”.

Tuy nhiên, sau khi nhận được kết luận trả lời của cơ quan chức năng, nhiều hộ dân không nhất trí và rất bức xúc, đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và địa phương, thậm chí tập trung đông người tại Trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên để yêu cầu giải quyết ngay.

Cụ thể, người dân kiến nghị về ảnh hưởng của đường dây tới sức khỏe như thường xuyên đau đầu, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, sút cân…; hay như các hiện tượng không bình thường khi thử bút thử điện vào người và một số vật dụng đều phát sáng, có tiếng kêu réo phát ra từ đường dây, nhất là vị trí gần chân cột; bất tiện trong sinh hoạt, hạn chế khả năng sử dụng đất, không thể xây dựng nhà ở thêm tầng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt; thiệt thòi nhiều so với các hộ dân nằm ngoài hành lang bảo vệ ATLĐ; mức bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất còn thấp, chưa sát với thực tế và đề nghị được di dời ra khỏi hành lang ATLĐ cao áp 220kv… UBND tỉnh Thái Nguyên sau đó đã phối hợp với Tổ công tác thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam và cơ quan có trách nhiệm liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát và tiếp xúc với một số hộ dân có công trình nằm dưới hành lang ATLĐ tại huyện Đại Từ và TP.Thái Nguyên. Kết quả kiểm tra 22 hộ dân thuộc 8 xã của huyện Đại Từ và TP.Thái Nguyên trong điều kiện cả hai mạch đường dây mang điện, cho thấy khi kiểm tra trong nhà và ngoài nhà (cách nền nhà, nền đất 1m) “cường độ điện trường” xuất hiện ở 2 hộ và hầu hết 22 hộ đều “nhiễm điện” từ mức 0.00728kv/m đến cao nhất là 0,075kv/m tại hộ ông Vũ Xuân Chung, tiếp theo đó hộ cao thứ 2 là gia đình CCB Nguyễn Văn Bình với kết quả đo được 0,054kv/m.

Báo cáo cũng nêu rõ về hiện tượng “nhiễm điện” khi thử bút điện thông thường vào người đứng trên ghế, cây cối, và một số vật dụng khác ở ngoài nhà vào ban đêm tại một số hộ bút thử điện đều phát sáng.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu một số hộ dân đóng cửa bỏ nhà chuyển đến nơi ở khác như hộ ông Ma Lăng Thủy ở xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên; các hộ ông Lê Văn Thịnh, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Tĩnh phải làm nhà tạm “sơ tán”, hoặc không sinh sống như hộ ông Phạm Quốc Trường ở xã Hùng Sơn... là có thật.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ công tác cho rằng 21 hộ đủ điều kiện tồn tại dưới hành lang bảo vệ ATLĐ 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên; duy nhất chỉ có hộ  ông Ma Lăng Thủy, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên là không đủ điều kiện tồn tại dưới hành lang lưới điện.

Từ kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Thủ tướng cho phép “tăng mức hỗ trợ đối với các hộ dân có nhà ở, công trình vật kiến trúc nằm trong hành lang ATLĐ cao áp mà không phải di dời có khoảng cách nhỏ hơn hoặc bằng 18m từ dẫy tĩnh đến mặt đất và các hộ có nhà cách chân cột nhỏ hơn hoặc bằng 10m. Mức kinh phí, hỗ trợ xấp xỉ bằng mức hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ dân phải di dời để các hộ dân có đủ điều kiện chủ động di dời ra khỏi hành lang lưới điện. Trường hợp hộ dân nào không tìm được đất để di dời tái định cư thì UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ quy hoạch tái định cư cho các hộ dân”.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 106 để đảm bảo thuận tiện trong sinh hoạt và sức khỏe của người dân…; giao Bộ KHCN, Bộ Y tế đánh giá một cách toàn diện về mức độ ảnh hưởng điện từ trường của lưới điện cao áp đến sức khỏe nhân dân để có kết luận và kiến nghị các giải pháp cụ thể…; Giao Bộ Công thương và Bộ TNMT nghiên cứu sửa đổi về một số quy định bồi thường về đất và những bất cập khác trong chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân sinh sống dưới đường dây cao áp 220kv…

Dù vậy, đến nay CCB Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Tiến vẫn đeo đuổi khiếu kiện. Trong đơn gửi về Báo CCB Việt Nam, ông Bình, bà Tiến cho rằng việc triển khai thực hiện Dự án đường dây 220kv một số cơ quan, đơn vị chưa tuân thủ đúng với Quyết định 1195/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 457/UBND-SXKD ngày 4-5-2006 của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo. Theo ông Bình, bà Tiến trước khi triển Dự án thì UBND huyện Đại Từ và cơ quan liên quan phải “thỏa thuận” với hộ dân có đất trong phạm vi thực hiện dự án, nhưng gia đình ông bà không được thực hiện nội dung này. Bên cạnh đó ông Bình còn cho biết có dấu hiệu giả mạo, cắt ghép chữ ký của ông trong bản kiểm kê chi tiết thu hồi đất; bản kiểm kê chi tiết nhà cửa, vật công trình kiến trúc, cây cối hoa mầu bị ảnh hưởng… nhằm hợp thức hóa hồ sơ chi tiền. Thực hư vấn đề này ra sao, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin tới bạn đọc…

Bài, ảnh: Tư Hoành