Việt Nam sẽ trong tốp 3 về tăng trưởng xuất khẩu (04/03/2013)
Đây là thông tin do Ngân hàng HSBC và hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics của Anh đưa ra trong một báo cáo vừa được công bố hồi tuần này.
Báo cáo cho biết trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Braxin, trong khi đó Ấn Độ và Việt Nam sẽ trở thành những đối tác xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc. Canada, Mexico và Trung Quốc tiếp tục là những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Mỹ.
Theo báo cáo này, khi mà Trung Quốc bắt đầu chuyển dịch sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn thì điều này cũng sẽ mang lại cơ hội cho các nước khác có chi phí nhân công thấp hơn như Việt Nam và Bangladesh.
Mặc dù không phải là nước có thiên hướng phát triển thương mại mạnh như những nền kinh tế mới nổi khác, nhưng Ấn Độ vẫn sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong trao đổi mậu dịch với các nước ở châu Á khác, đặc biệt là với Trung Quốc.
Đến năm 2030, Ấn Độ cũng sẽ trở thành một trong năm đối tác xuất khẩu hàng đầu của Argentina. Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Argentina và các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia cũng được tăng cường.
Báo cáo trên cũng đưa ra nhận định xuất khẩu giữa các thị trường mới nổi hàng đầu thế giới sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới đây, làm biến đổi dòng chảy thương mại trên thị trường quốc tế.
Ông James Emmett, Giám đốc toàn cầu phụ trách thanh toán và tài trợ thương mại của HSBC, cho rằng trao đổi mậu dịch giữa các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh trong gia đoạn từ nay đến năm 2030 khi mà những nền kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn và nhu cầu trong nước tăng cao.
Theo ông, các thị trường mới nổi sẽ phát triển với tốc độ đáng ngạc nhiên và sẽ định hình lại các mô hình thương mại thế giới trong vòng 20 năm tới.
Trong khi đó, xuất khẩu từ các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng chậm hơn. Phần lớn các nước công nghiệp có xu hướng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang các nền kinh tế phát triển khác, nơi mà nhu cầu sẽ yếu trong những năm tới do còn đang phải vật lộn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu./.
Theo Vietnamplus
(TH)