Việt Nam nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (09/04/2013)
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cũng như sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
- Nhân dịp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ 22 bế mạc vào cuối tháng Ba vừa qua tại Geneva, bà có nhận xét gì về việc triển khai thực hiện các quyền cơ bản của con người nói chung, trong đó có Việt Nam?
Bà Pratibha Mehta: Tại lễ khai mạc hội nghị Hội đồng Nhân quyền lần thứ 22, bà Navi Pillay, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh: Chúng ta đang kỷ niệm 20 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về nhân quyền. Đây là tài liệu quan trọng nhất bao trùm các quyền con người được đề ra trong một phần tư thế kỷ vừa qua.
Các tài liệu này đã đề ra các nguyên tắc cơ bản của nhân quyền là phổ quát, không thể chia rẽ, phụ thuộc và liên quan đến nhau. Khái niệm quan trọng của tính phổ quát đã tiến một bước xa hơn bằng cam kết của các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa của nước mình.
Kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, chín hiệp ước cốt lõi về nhân quyền đã ra đời, hình thành một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cho việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia đã chấp nhận nghĩa vụ pháp lý của mình trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của mỗi người trong chúng ta. Cam kết này đặt con người ở trung tâm và đề ra các quy tắc về việc làm thế nào các quốc gia thực hiện các quyền hạn của mình đối với những công dân sống trong lãnh thổ nước mình.
Mặc dù chúng ta đã đạt được các tiến bộ kể từ khi thực hiện Tuyên bố Vienna, sau 20 năm được thông qua, tuy nhiên nhiều thách thức về nhân quyền vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn nhiều việc cần phải làm cho đến khi các quyền và tự do cơ bản của con người thực sự được thúc đẩy và bảo vệ, không thành kiến và phân biệt.
- Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong nhiều năm vừa qua?
Bà Pratibha Mehta: Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, các cơ chế này nhằm giám sát các trường hợp liên quan đến nhân quyền trên khắp thế giới, bao gồm cả sự phù hợp của các Chính phủ với các hiệp ước cốt lõi về nhân quyền. Ví dụ như trong năm 2009 báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) đã được nộp cho Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Cơ chế kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) là một tiến trình xem xét theo nhóm. Theo đó một quốc gia trải qua quá trình xem xét tình hình nhân quyền của mình bởi các quốc gia khác. Việt Nam đã được chấp nhận bởi 93 trong tổng số 123 khuyến nghị được thực hiện bởi các nước khác về việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị cho việc kiểm điểm định kỳ thứ hai sẽ diễn ra vào đầu năm 2014.
Là một phần của Cơ chế kiểm điểm định kỳ về nhân quyền, Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng sẽ trình lên một báo cáo cung cấp phân tích về tình hình nhân quyền dựa trên công tác phát triển của Liên hợp quốc với các đối tác tại Việt Nam. Việt Nam đã không ngừng cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người.
Tại Việt Nam còn có một số diễn biến tích cực gần đây như chủ động tham khảo ý kiến về dự thảo luật với các bên liên quan. Ví dụ, trong quá trình dự thảo luật về việc xử lý xử phạt vi phạm hành chính, những người mại dâm và sử dụng ma túy đã gặp gỡ với Ban dự thảo luật. Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai hiện hành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo với các tổ chức phi chính phủ Việt Nam để nghe tiếng nói của người nông dân. Việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình; trong đó ban dự thảo đã tiến hành các cuộc khảo sát và hội thảo với các nhóm đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính, để xem xét các vấn đề như quyền và lợi ích của các cặp đôi cùng giới và chuyển đổi giới tính.
Việc tiếp tục tham khảo ý kiến của cộng đồng về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một cách tốt để giáo dục và lắng nghe cộng đồng về việc xây dựng Hiến pháp mới. Quá trình cải cách Hiến pháp là một cơ hội rất tốt để Việt Nam tăng cường bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
- Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước quốc tế về quyền con người và đồng ý về các bước để triển khai, vậy Liên hợp quốc đã và đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ của các công ước này như thế nào?
Bà Pratibha Mehta: Việt Nam đã phê chuẩn 5 trong 9 hiệp ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc. Đó là những giao ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc và Công ước về quyền của trẻ em. Trong hai năm qua, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành báo cáo đối với bốn trong số năm cơ quan liên quan của Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ các hiệp ước quốc tế.
Liên hợp quốc cũng đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuẩn bị báo cáo định kỳ cho hiệp ước thứ năm - Hiệp ước về các quyền dân sự và chính trị. Báo cáo này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình thực hiện các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam và có thể được sử dụng để sửa đổi một số luật quan trọng liên quan.
Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu thực hiện Kế hoạch chung cho giai đoạn hợp tác 2012-2016 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên quốc gia và các cam kết liên chính phủ. Hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc dựa trên cơ sở quyền con người. Vì vậy hỗ trợ của Liên hợp quốc góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Cụ thể, chúng tôi giúp Việt Nam thực hiện các công ước quốc tế thông qua hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy vận động chính sách dựa trên các kết quả nghiên cứu, cũng như phát triển năng lực và chia sẻ các kinh nghiệm thành công trên thế giới.
Ví dụ trong quá trình sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan Liên hợp quốc đã tham vấn, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm bị ảnh hưởng và các cán bộ của Ủy ban soạn thảo pháp luật, cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội gặp gỡ và cùng xem xét các khuyến nghị dựa trên các kết quả nghiên cứu. Việc Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính trong tháng 6/2012, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và tiếp cận pháp lý ở Việt Nam.
Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp xây dựng các dự thảo văn bản dưới luật có liên quan, bao gồm cả các thủ tục tố tụng, nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn và an ninh công cộng.
Liên hợp quốc cũng đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề bạo lực gia đình thông qua một loạt các biện pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, phát triển các dịch vụ xã hội và tăng cường năng lực cán bộ tư pháp. Chúng tôi cũng hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề của phụ nữ liên quan đến tư pháp, bao gồm cả những phụ nữ đang ở trong tù.
Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam khẳng định cam kết sẽ phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và sớm gia nhập Công ước chống tra tấn. Liên hợp quốc đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho việc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và hợp tác với các tổ chức của người khuyết tật để đảm bảo quyền tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của họ được phản ánh tốt hơn trong việc cung cấp dịch vụ công và luật pháp của quốc gia.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Vietnam+
(TH)