Riêng về thơ, điều dễ nhận biết nhất là thơ ông luôn dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước Việt Nam "vất vả, gian nan, tươi thắm vô ngần" của chúng ta. Đất nước đau thương và quật khởi, con người vất vả và anh hùng là chủ đề quán xuyến trong thơ Nguyễn Đình Thi. Với tình cảm gắn bó tha thiết với đất Việt yêu thương, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã viết những bài thơ bất hủ như: “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”... Ấy là những câu thơ tha thiết lắng đọng giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành đôn hậu.
Bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi là một trong những bài thơ đầu tiên và hay nhất viết về Cách mạng Tháng Tám, về đất nước. Bài thơ là hào khí của dân tộc những năm đầu độc lập và ý chí quật cường trong kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt. Lúc đó (1955) miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, ông bị ốm (lao nặng) và được cấp trên cho nghỉ dưỡng bệnh ở Nhã Nam (Bắc Giang). Lực lượng kháng chiến đã về Thủ đô tiếp quản hết, không khí vùng tự do xưa thật vắng lặng. Ngồi trong một căn nhà nhỏ của xóm tản cư năm nào, ông nghĩ lại những ngày mùa thu đã xa, những năm kháng chiến và không khí chiến trường Điện Biên những ngày cuối cùng vang dội... Ông cho biết, cũng chính trong những ngày này ông đã viết cuốn tiểu thuyết đồ sộ về Cách mạng Tháng Tám, cuốn “Vỡ bờ” (theo “Hỏi chuyện các nhà văn” của Nguyễn Công Hoan, NXB Tác phẩm mới - 1977) . Và có một chiều nào đó “tự nhiên, một số câu thơ của bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (đăng báo Văn nghệ số 6, tháng 10 và 11-1948 và bài “Đêm mít tinh” (Văn nghệ Xuân 1949) của ông “bỗng sống dậy hết sức tha thiết” và bài thơ “Đất nước” ra đời... nhà thơ có lần kể như vậy. Tuy nhiên, phải mãi đến năm 1958 bài “Đất nước” mới được công bố trong tập thơ “Người chiến sĩ” của ông. Kể từ khi được phổ biến, “Đất nước” đã trở nên quen thuộc với các thế hệ bạn đọc.
Mở đầu bài thơ là những cảm xúc trong một sáng mùa thu, gợi nỗi nhớ về Hà Nội: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới. Từ hoài niệm về mùa thu Hà Nội xưa, tác giả dẫn vào cảm xúc về mùa thu đất nước - mùa thu Tháng Tám hào hùng chưa xa: Từ gốc mía bờ tre hồn hậu/ Đã bật lên những tiếng căm hờn để có được hôm nay: Rừng xanh đây là của chúng ta ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa...
Cách mạng Tháng Tám đối với người nghệ sĩ nói chung và với riêng Nguyễn Đình Thi thật hết sức ý nghĩa. Nó giống như “một cuộc lột vỏ”, một lẫn “rũ bùn”:
...Súng nổ tung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
Câu thơ là nhất quán, là cùng nội dung cùng tinh thần với những câu trong bài báo nổi tiếng mang tựa đề “Nhận đường” của Nguyễn Đình Thi viết vào những ngày cuối năm 1947 khi cuộc Kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp giành tự do, độc lập cho dân tộc vừa bắt đầu. Nhà thơ viết: “ Những ngày tháng Tám chúng ta bước từ một thời đại lịch sử sang một thời đại mới. Hàng chục triệu con người ra khỏi những khoảng đêm đẫm máu, rỏ nước mắt khóc, vui sướng ôm lấy nhau, quàng nhau dưới bóng cờ đỏ, vùng dậy trước mũi súng ngơ ngác của tụi phát xít Nhật. Mỗi người chúng ta không còn yếu ớt riêng lẻ. Chúng ta đã tìm thấy lại bao trùm lên chúng ta, bao trùm lên gia đình làng xóm chúng ta còn một cái gì lớn lao chung: “Ấy là dân tộc”. Bài thơ “Đất nước” đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản Giao hưởng - Hợp xướng cùng tên “Đất nước”. Bản giao hưởng đã được Dàn nhạc - Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 1-9-2009, và do chính Đặng Hữu Phúc chỉ huy.
Kỷ niệm về bài “Đất nước”, có lần chính tác giả của bài thơ kể: “Công việc văn học nghệ thuật cũng giống như mọi nghề, có những vui buồn và cả những bước gập ghềnh - nhưng nếu mình cảm thấy làm được một chút gì có ích thì đó là nguồn an ủi quý giá. Tôi nhớ hồi miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom ngày đêm. Một lần từ Hải Phòng ra Hòn Gai qua bến phà Rừng. Sông ở đây mênh mông như một nhánh biển. Đứng trên bến phà nhìn về dãy núi Đông Triều phía xa, tôi thấy bay lên lất phất làn khói của nhà máy điện Uông Bí, một mục tiêu chính của các trận bom hết sức ác liệt ở vùng này. Một chị cùng đi chuyến xe khách đứng gần bên cũng nhìn chăm chú về phái làn khói ấy. Chị bỗng quay sang khẽ cười và nói: “Tôi là người Hà Nội, kỹ sư điện đi chuyến này ra nhận công tác ở nhà máy điện Uông Bí. Tôi tình nguyện nhận công việc này một phần cũng do bài thơ “Đất nước” của anh”.
Ngô Vĩnh Bình