Việt Nam đề nghị LHQ lưu hành văn bản phản đối Trung Quốc
Văn bản thứ nhất thể hiện Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981; kiên quyết bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5 và ngày 9/6 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế do hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngoài ra, để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan trên, Trung Quốc đã đưa hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động liên tục đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, thậm chí còn đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Văn bản trên cho biết tất cả các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ.
Văn bản thứ hai đề cập tới chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và hoàn toàn bác bỏ cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) nêu trong văn bản của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 22/5 và 9/6.
Trong văn bản thứ hai này, Bộ Ngoại giao nước ta đã chỉ rõ các tư liệu lịch sử không thống nhất với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa; khẳng định những tài liệu Trung Quốc dẫn chiếu nhằm chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được Trung Quốc diễn giải một cách tùy tiện.
Các tài liệu này không chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ. Ngược lại, các ghi chép lịch sử cho thấy chủ quyền của Trung Quốc chưa bao giờ có quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Việt Nam cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy quần đảo Hoàng Sa không được giao cho Trung Quốc tại các Hội nghị quốc tế trước và sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai như: Hội nghị Cairo (11/1943), Hội nghị Potsdam (7/1945), Hội nghị hòa bình San Francisco (8/1951), Hội nghị Geneva (1954).
Tài liệu cũng nêu rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Cụ thể, năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản đối mạnh mẽ.
Sau đó, năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc.
Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Văn bản thứ hai còn khẳng định Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, vạch rõ việc Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, đây là lần thứ tư Việt Nam gửi thư đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu hành các tài liệu của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam./.