Việt Nam đạt mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo (14/01/2011)

Chương trình 135 giai đoạn II; tiếp tục thực hiện Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn; Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo an sinh xã hội và các giải pháp tăng cường cán bộ từ tỉnh, huyện cho các địa bàn khó khăn…

Cùng với việc thực hiện các chương trình kinh tế xã hội khác hướng vào mục tiêu giảm nghèo, kết quả đã có trên 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi mức bình quân 7-8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt 103,3% kế hoạch 5 năm; triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, 150 ngàn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo; 2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang biển, hải đảo, bình quân 9,15 công trình/xã; các địa phương đã xây dựng được 8.237 công trình hạ tầng cơ sở bằng nguồn vốn Chương trình 134; 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí. Đến tháng 10-2010, đã hoàn thành 77.311 căn nhà cho hộ nghèo, 1.552 ha đất ở cho 71.713 hộ, 6.600 lao động ở các huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài... Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 9,45% (năm 2010). Riêng với CCB đã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,42% (năm 2005) xuống còn 3,99% (năm 2010). Cả nước hoàn thành kế hoạch giảm nghèo trước một năm so với mục tiêu chương trình và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.

Người nghèo được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường…) và các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý… Cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD/người (năm 1990) lên khoảng 1.200 USD/người (năm 2010). Với mức này, Việt Nam chuyển từ vị trí nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp; hệ thống an sinh xã hội từng bước được mở rộng. Tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện phúc lợi xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đảm bảo xã hội tăng đáng kể. Chính vì vậy thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận “những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế”.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng còn những hạn chế tồn tại: tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn, tỷ lệ tái nghèo hàng năm so với tổng số hộ nghèo còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các chương trình giảm nghèo thời gian qua chưa toàn diện; nhiều chính sách chương trình giảm nghèo đã được ban hành nhưng còn mang tính ngắn hạn, trùng lắp, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ để tập trung vào mục tiêu giảm nghèo, nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu, lại bị phân tán, dàn trải; sự phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả; chưa mạnh dạn phân cấp, trao quyền cho cấp địa phương, cơ sở, chính sách giảm nghèo chưa thật sự khuyến khích sự tham gia của người dân, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức còn nhiều hạn chế.

Theo chuẩn nghèo mới, dự kiến áp dụng từ năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước chiếm khoảng 15%, người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (90%) ở một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ là những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 50%) là địa bàn rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo. Vì vậy cần phải nắm vững các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 để xác định những đối tượng và vùng cần tập trung ưu tiên trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững, quan hệ chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới và chiến lược an sinh xã hội đến năm 2020.

Phạm Hữu Bồng