“Việt Nam - con rồng mới của ASEAN” (17/01/2013)
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Việt Nam - con rồng mới của ASEAN" do Phòng Thương mại công nghiệp Paris phối hợp Cơ quan phát triển giao thương quốc tế UBIFRANCE và Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 15-1 ở thủ đô Paris.
Đây là sự khởi đầu cho hàng loạt các hoạt động sẽ được tổ chức để kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp trong năm 2013. Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Dương Chí Dũng; ông Gilles Dabezies, Phó Tổng giám đốc, Phòng thương mại và công nghiệp Paris (CCIP); ông Marc Cagnard, Giám đốc UBIFRANCE Vietnam; bà Marie-Cécile Tardieu Smith, Trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng các nhà kinh tế, nghiên cứu Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân hàng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng khẳng định: “Sau hơn 26 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, cải cách sâu rộng, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có một nền tảng vững chắc để bước vào một giai đoạn mới của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế″.
Trong hai năm 2011 và 2012, mặc dù suy thoái kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng ở mức 5,9% và 5,2%. Giá trị xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 115 tỷ USD năm 2012, cao hơn 18% so với năm 2011. Đặc biệt phải kể đến xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 72 tỷ USD, chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư từ hơn 90 nước và vùng lãnh thổ với hơn 13 nghìn 700 dự án với tổng số vốn trị giá 200 tỷ USD. Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài tổng cộng 12 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Việt Nam đã có quan hệ thương mại và đầu tư với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại sứ Dương Chí Dũng cho rằng Pháp và Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc và đang chuẩn bị thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Các doanh nghiệp Pháp là những doanh nghiệp đầu tiên đến với Việt Nam ngay từ khi Việt Nam tiến hành chính sách mở cửa, không chỉ với nguồn vốn mà còn cả các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực mà Pháp có tiềm năng.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Pháp năm 2011 đạt 2,9 tỷ USD tăng tăng lên 3,3 tỷ USD năm 2012. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Pháp bao gồm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, cà-phê, điện thoại và các loại khác. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp các mặt hàng như dược phẩm, máy móc, hóa chất, thép… Pháp cũng là nhà đầu tư thứ hai của châu Âu (sau Hà Lan) tại Việt Nam với 340 dự án có tổng số vốn hơn ba tỷ USD.
Tại hội thảo, các chuyến gia kinh tế từng làm việc ở Việt Nam trình bày các tham luận nêu bật những khó khăn và thuận lợi cũng như thách thức của Việt Nam trong quá trình đổi mới, cải cách ngân hàng, cải cách thể chế và hành chính.
Dù còn tồn tại một số thách thức cơ bản như sức cạnh tranh chưa cao của các doanh nghiệp Nhà nước, các chuyên gia đều có chung một nhận định rằng Việt Nam là đất nước cởi mở, có sự ổn định chính trị và xã hội vững chắc, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, phát triển mạnh trong khối các nước ASEAN. Đáng chú ý, đa số lực lượng lao động ở Việt Nam còn trẻ, khoảng 60% dưới 30 tuổi.
Chính vì vậy, Việt Nam xứng đáng được coi là “con rồng mới của các nước ASEAN”.
*Theo *NDĐT
(TH)