Việt Nam cam kết triển khai quyết liệt, hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế (07/12/2011)
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề chính về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2011, định hướng phát triển năm 2012, một số định hướng về Chương trình Tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, TCC đầu tư công; các giải pháp chính để thực hiện TCC kinh tế Việt Nam thời gian tới; kinh nghiệm của các nước trong thực hiện TCC kinh tế; các vấn đề củng cố hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam và kinh nghiệm các nước; các kết quả của Hội nghị Bu-san về hiệu quả viện trợ; diễn đàn chống tham nhũng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam; dự kiến khả năng hỗ trợ nguồn vốn ODA trong năm tới cho việc triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm năm tới của Việt Nam...
Nhiều ý kiến tại hội nghị khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ tái cấu trúc nền kinh tế, thắt chặt đầu tư công, tăng cường hợp tác khu vực tư nhân (hợp tác công-tư) để thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Hội nghị cũng đã nghe một số đại biểu châu Á như Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện TCC nền kinh tế, TCC hệ thống ngân hàng...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tăng trưởng GDP Việt Nam 2011 sẽ duy trì ở mức từ 5,8 đến 6%. Trên cơ sở này, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 là khoảng 6%, là mức tăng trưởng phù hợp tình hình, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Ðồng thời, Việt Nam chỉ đạo tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt TCC kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; TCC doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để nâng cao hiệu quả DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa hầu hết các DNNN trong năm 2011 và những năm tới; TCC các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết năm 2012 tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, hiệu quả hơn, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu hơn nền kinh tế thế giới. Nỗ lực để các hoạt động nền kinh tế Việt Nam công khai, minh bạch hơn; đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Ðây là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam rất quan tâm nhằm tạo ra môi trường kinh tế thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả.
Cộng đồng quốc tế đã đưa ra cam kết tài trợ cho Việt Nam 7,386 tỷ USD năm 2012, thể hiện sự tin tưởng rất cao của các nhà tài trợ, đối tác phát triển vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam
Mức tài trợ gần 7,4 tỷ USD nêu trên mặc dù không bằng CG 2010 (7,9 tỷ USD) nhưng là một con số rất cao, ấn tượng trong tình hình hiện nay bởi ba nguyên nhân: trong số 7,9 tỷ USD trên có gói cứu trợ của WB cho Việt Nam, còn năm nay không có khoản này; năm nay, Việt Nam chính thức trở thành nước thu nhập trung bình, nên theo quy định chung, các đối tác phát triển có cắt giảm bớt khoản tài trợ; một số nhà tài trợ ở châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách, trong khi Nhật Bản vừa trải qua thảm hoạ động đất - sóng thần, Mỹ đang gặp khó khăn. Do đó, Việt Nam trân trọng mọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, dù là vật chất hay chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển. Khoản tài trợ này là một mức cao, tích cực, quan trọng đối với Việt Nam trong hoàn cảnh kinh tế nước ta gặp khó khăn, cần nguồn lực để thực hiện công cuộc phát triển đất nước, thực hiện quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thời gian tới.
Bảo Lâm