Việt Nam 50 năm sau giải phóng: Những dấu son kinh tế

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Nhìn lại hành trình 50 năm qua kể ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), mỗi người dân trong cộng đồng hơn 100 triệu con em Việt Nam không khỏi tự hào với những thành tựu mà đất nước đã có được sau bao nỗ lực vượt mọi thử thách, từng bước đổi mới phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn...

Thể chế kinh tế và vị thế quốc tế không ngừng cải thiện

Tính đến hết quý I-2025, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế và thương mại với 160 quốc gia và 70 vùng lãnh thổ; đã thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược toàn diện với 31 đối tác, gồm toàn bộ các nước là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và các nền kinh tế Nhóm G7; trong đó có 12 đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam hiện có 96 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, tham gia mạng lưới hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (FTA) với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế lớn bao quát trên 50-60 % GDP và thương mại toàn cầu; 71 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường...

Các chỉ số và cân đối kinh tế-tài chính vĩ mô của Việt Nam ngày càng được cải thiện, môi trường kinh doanh đáp ứng ngày càng cao hơn các chuẩn mực chung của thế giới. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam với triển vọng “Ổn định”.

Năm 2024, quy mô nền kinh tế gần 500 tỷ USD, tăng gần 100 lần so với năm 1986, đứng thứ 4 Đông Nam Á và thứ 34 thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14%.

Việt Nam hiện thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới Việt Nam và thuộc TOP 5 nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dệt may, da giầy, gạo, cafe, tiêu, điều, cao su, nhiều mặt hàng nông sản và thuỷ sản khác. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 15% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%); cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD và là năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu; cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được thị trường đón nhận, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất.

 Đặc biệt, từ năm 2021, Việt Nam chính thức được xếp vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới), là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom 2021) của Heritage Foundation (Mỹ).

Việt Nam cũng lọt vào nhóm 15 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, với lũy kế đến hết năm 2024 có hơn 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD); trong đó, năm 2024, Việt Nam có 1.539 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đạt 13,96 tỷ USD, tăng 11,2% về số lượt dự án và tăng 50,4% về số vốn so với năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất từ trước đến nay. Riêng trong hai tháng đầu năm 2025, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,90 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước, FDI thực hiện ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước...

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Chất lượng sống người dân không ngừng được nâng cao

Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2024, theo xếp hạng của Liên Hợp quốc, tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.

Theo kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống dân cư năm 2024, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm còn dưới 3%.

Đặc biệt, từ  năm học 2025-2026, Việt Nam miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông trung học và sẽ tiến tới miễn viện phí cho người dân.

Những thành tựu trên là kết quả và phản ánh sự nỗ lực vượt lên thử thách và vượt lên chính mình của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt của thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tự tin bước vào Kỷ nguyên mới

Trên nền tảng vững chắc 50 năm qua, Việt Nam luôn theo dõi sát tình hình thế giới, phản ứng chính sách phù hợp, ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn; tiếp tục cải cách để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng lâu dài, bền vững và kiểm soát tốt các rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư...; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để huy động nguồn lực phát triển, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những thập kỷ tới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả...; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao... và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do... tại một số địa phương.

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng khoảng 8% GDP và xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 5,3-5,5%; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng tỉ trọng kinh tế số trong GDP lên khoảng 20%.

Từ năm 2026, Việt Nam tự tin bước vào Kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng, khi mà mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao (trên 12.050 USD/năm theo chuẩn hiện nay của thế giới), mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu; xây dựng thành công một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hiện thực hoá khát vọng hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của  Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong