Chỉ bằng việc nhắc tới tên tuổi 35 vị tướng trong cuốn sách “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các vị tướng” của mình, nhà báo Tô Kiều Thẩm đã chứng tỏ một sự bền bỉ, say mê với công việc của một người viết báo và sự gắn bó tha thiết với đề tài bộ đội, với những người lính. Anh đã có mấy tập sách viết về đồng đội, về những người lính và đây là tập sách đầu tiên anh viết về những vị tướng.
Các vị tướng được nhắc tới trong tập “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Gíáp và các vị tướng”, phần đông là các vị tướng trận mạc, trong đó có những danh tướng như Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Đại tướng Phùng Quang Thanh… Tập sách cũng có những trang viết về những viên tướng viết văn, làm báo như các Thiếu tướng Hồ Phương, Dũng Hà, Chu Phác, rồi các tướng trẻ đang là những “yếu nhân” trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều đơn vị của quân đội ta hôm nay như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền… Lại có cả những vị tướng “rất gần” với tác giả (đang là phóng viên Báo CCB Việt Nam), đã và đang là những thủ trưởng trực tiếp của anh ở cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam như Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Đặng Quân Thụy, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Trung tướng Nguyễn Văn Đạo…
Viết về các ông, Tô Kiều Thẩm không có ý định khắc họa chân dung hay đề cập đến những cống hiến, hi sinh của các ông trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần vào công cuộc canh tân và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, tôi chắc thế. Bởi vì, viết về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và những viên tướng thuộc quyền của ông trong QĐND Việt Nam đã có hàng ngàn cuốn sách, hàng triệu trang viết của các sử gia, của giới nghiên cứu quân sự, của các sĩ quan dưới quyền và của các nhà văn. Tô Kiều Thẩm rất biết điều này và anh xem đây là một thách thức quá lớn, quá sức, quá tầm với anh-một người lính, một nhà báo bình thường.
Là thế nên viết về Đại tướng Tổng Tư lệnh - người Anh Cả của quân đội và các vị tướng đàn em, hậu sinh của ông, tác giả tập sách này đã chọn chỗ đứng của một người lính, chọn cách viết của một người viết báo đoàn thể để thể hiện, để giãi bày, trước hết lòng kính yêu, sự ngưỡng mộ và thái độ biết ơn của mình cũng như của nhiều người lính Cụ Hồ khác đối với các ông, các thủ trưởng. Điều này được thể hiện qua “Phút giây bên Đại tướng”, qua những “món quà”, những “vần thơ” CCB… tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi những kỷ niệm với những vị tướng khác.
Tất cả các câu chuyện đều chỉ như những lát cắt, thoáng qua trong cuộc đời binh nghiệp dằng dặc gian lao và trường kỳ của các vị tướng, nhưng đã ngời lóe lên hình ảnh của những người lính - những viên tướng của Bộ đội Cụ Hồ.
Cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn khi được xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014), 70 năm thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014) và lúc toàn quân đang thực hiện cuộc vận động lớn “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” với trọng tâm là thực hiện lời Bác Hồ căn dặn khi Người về thăm đền Hùng (19-9-1954): “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
N.V.B