Trong thời kỳ này, viện đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học biển với một số đề tài có giá trị, trong đó có báo cáo chế độ thủy văn ở Đông Dương được đánh giá rất cao. Từ đó đến nay, viện là một bảo tàng khổng lồ lưu trữ khoảng 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và động thực vật trong các ao, hồ nước ngọt (bao gồm cả Vịnh Thái Lan và Biển Hồ Cam-pu-chia). Chính vì vậy, viện vừa được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất” vào cuối năm 2012. Đặc biệt, đây còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý như hàng ngàn mẫu sinh vật được khảo sát, thu thập thời gian rất dài từ ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, hình ảnh đèn hải đăng tại đảo Hoàng Sa, thuyền độc mộc đội khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa… tất cả đều là bằng chứng khẳng định về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 2011, Viện Hải dương học đã đưa khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào khai thác.

Viện Hải Dương học hiện trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với TP Nha Trang. Vừa qua, Viện Hải dương học được chọn là 1 trong 15 điểm lắp đặt các tấm bản đồ giới thiệu về chủ quyền biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân, du khách, nhất là khách quốc tế. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên… và bạn bè quốc tế biết. Đây chính là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin và ảnh: Công Thi