Hình ảnh phổi bị tổn thương.

Hiện nay, miền Bắc đang ở thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường nên người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng) bao gồm viêm phế nang (túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Nếu không được chẩn đoán xử trí kịp thời, viêm phổi có thể gây các biến chứng nặng nề, như: Suy hô hấp, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết…

Vì sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?

Hệ thống miễn dịch yếu: Sự lão hóa của hệ thống miễn dịch làm cho người cao tuổi không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh.

Mắc nhiều bệnh lý mạn tính: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, viêm phế quản mạn...

Sự tác động của các yếu tố có hại: Nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi.

Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết và cách chủ động phòng, chống

Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là ở những người cao tuổi có bệnh mạn tính về đường hô hấp. Ho có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính một ít máu do mao mạch bị vỡ ra, có một số ít trường hợp không ho.

Ngoài ra, người bệnh thường có một số triệu chứng điển hình như thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng, tức ngực và khó thở nhẹ. Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước (môi khô, lưỡi trắng, má hóp, da nhăn nheo).

Khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu sẽ dần làm cho sức đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, tiêm vắc-xin ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hằng năm. Người chăm sóc cũng như các thành viên trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vắc-xin chống viêm phổi.

Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp phòng tránh viêm phổi như: Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh; đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người bệnh, tránh nơi tập trung đông người; giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp trên sạch và thoáng; rửa tay thường xuyên với xà phòng; duy trì việc tập thể dục hằng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người (người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi); bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia; kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý; uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ...

Lưu ý, khi có dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Thành An