Viêm mũi xoang lúc giao mùa
Biểu hiện của bệnh
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh-nguyên Giám đốc Bệnh viện tai mũi họng TƯ, viêm xoang mũi xảy ra quanh năm nhưng thường gặp khi thời tiết chuyển mùa. Khi bị viêm mũi xoang, bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp sốt cao (nhất là ở trẻ em). Đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, theo nhịp mạch đập. Ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường thấy ngạt, tắc mũi. Tùy theo tình trạng viêm mà tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay tắc liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm. Chảy mũi đặc có thể mủ lẫn máu.
Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên sẽ thấy bị áp-xe quanh răng, đau nhức theo nhịp mạch đập. Lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất khó chịu, chảy mủ mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mùi hôi. Xì mạnh đôi khi thường gây đau và lẫn tia máu. Viêm xoang cấp có thể tự khỏi nhưng cũng dễ chuyển thành viêm xoang mạn.
Phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang
Cũng theo PGS,TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, viêm xoang cần phải có sự phòng ngừa và điều trị đúng để không gặp phải những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh viêm xoang, viêm mũi lúc giao mùa:
Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.
Khi đi ra ngoài đường cần sử dụng khẩu trang không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh trong buồng kín gió, lau người thật khô và mặc quần áo ngay.
Thường xuyên vệ sinh họng, miệng hằng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.
Nên đi khám khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Vì nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.
Tránh uống rượu, bia quá nhiều, vì nó làm cho niêm mạc mũi xoang phù nề do vậy rất dễ đưa đến viêm xoang.
Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống ôxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày, khám và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa...
Tránh ngoáy mũi nhiều thì sẽ gây tổn thương phần tiền đình mũi và niêm mạc mũi.
Thanh An