Viêm gan B: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất thế giới. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10 triệu người nhiễm viêm gan B, phần lớn là bệnh mạn tính.
Nguyên nhân
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV); là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của viêm gan B mạn còn tương đối thấp.
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vắc-xin. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Virus có thể được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể tồn tại, phát triển thành viêm gan B. Virus viêm gan B rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần.
Triệu chứng
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Trường hợp viêm gan B cấp tính thường không có biểu hiện rõ ràng hoặc biểu hiện không nghiêm trọng, nên rất dễ bị bỏ qua. Đối với một vài trường hợp triệu chứng có thể là cảm giác mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, sốt, đau nhức gan hoặc có một số triệu chứng gần giống với cúm.
Các triệu chứng bị viêm gan B mạn tính gồm có: Mệt mỏi kéo dài, xanh xao; chán ăn, ăn không ngon miệng; buồn nôn hoặc nôn; vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm; đau nhức xương khớp; đau hạ sườn phải; rối loạn tiêu hoá, đi cầu phân đen; trướng bụng, phù chân; xuất huyết dưới da…
Cách phòng ngừa
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tuân thủ lịch khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Hoặc đi khám ngay nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc viêm gan B như mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon, đau cơ, sốt, da vàng, mắt vàng, nước tiểu sẫm màu...
Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây nên. Viêm gan B cấp tính, mạn tính nếu không được quản lý và điều trị nghiêm ngặt sẽ có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư, thậm chí là tử vong. Hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh viêm gan mạn tính nên để hạn chế tổn thương gan, người bệnh cần thực hiện những nguyên tắc sau:
Không được tự ý ngừng thuốc điều trị kháng virus, chỉ ngừng điều trị khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, định kỳ kiểm tra để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngừng thuốc.
Định kỳ kiểm tra sức khỏe 2 lần/năm, hoặc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý: Không uống bia rượu; không ăn quá cay, quá mặn, quá béo; lựa chọn thịt nạc, ít mỡ; tăng cường rau xanh, hoa quả; ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, gạo lứt, mì nguyên cám).
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa hiệu quả viêm gan B mạn tính, người bệnh cần: Tiêm vắc-xin phòng viêm gan B với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính và những đối tượng chưa có kháng thể chống lại HBV. Không dùng chung kim tiêm, đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, bấm móng tay, dao cạo râu… Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để tránh gây hại cho gan.
Thành An