Việc khó có cựu chiến binh
Qua 8 năm thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân tiêu biểu, với hàng chục vạn việc tốt trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Mà điển hình là CCB gương mẫu nhận làm trước “khâu khó, việc khó”.
Do nhu cầu phát triển đô thị tốc độ cao, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có quyết định thu hồi trên 400ha ruộng đất, di dời gần 20 ngàn ngôi mộ, liên quan đến trên 900 hộ gia đình, trong đó có 215 hộ hội viên.
Trên cơ sở chính sách đền bù, 100% CCB nằm trong diện thu hồi đất được hội viên tuân thủ, bàn giao đúng thời gian đủ diện tích, mặt bằng cho chủ đầu tư. Hơn thế nữa, có những phát sinh “nhạy cảm” trên đất đền bù thì các CCB cũng gương mẫu ứng xử có lý, có tình. Tiêu biểu phải nói đến hội viên Đỗ Xuân Tường. Khi gia đình chuyển đến nơi ở mới, ngay buổi khai móng trên lô đất diện tích 60m2, ông đã đào phải 12 ngôi mộ, trong đó có 3 ngôi chưa cải táng. Bị sức ép từ nhiều phía, vợ chồng ông Tường đứng trước một quyết định khó khăn: Hoặc ở hoặc trả lại đất. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông bà quyết định xây dựng tiếp, xua tan nỗi ám ảnh nặng nề theo quan niệm duy tâm của không ít bà con.
Từ cách nghĩ của ông bà Tường, mà sau đó các hộ khác chuyển đến, hộ nào đào móng cũng phát hiện ít nhất là 1 ngôi, nhiều đến 7 ngôi nhưng không ai “đánh tháo”. Thế là từ một bãi tha ma bỏ hoang, khu đất giờ đây đã trở thành dãy phố khang trang, buôn bán sầm uất. Các ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang chu đáo.
Việc làm của gia đình ông Tường và của các gia đình khác đã giúp cho thành phố không chỉ tháo gỡ được trở ngại lớn trong công tác tái định cư mà còn tiết kiệm cho ngân sách một khoản tiền lớn. Thực hiện các đề án xây dựng Nhà văn hoá, đường bê tông ngõ xóm, đường điện chiếu sáng và chỉnh trang đô thị, ngoài ngân sách đầu tư, thành phố phát động mọi người dân, tổ chức xã hội tham gia đóng góp thêm kinh phí, công sức.
Thấy được trách nhiệm của mình, Thành hội đã phát động trong toàn Hội đóng góp, trong điều kiện đời sống chung của hội viên cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các chi hội đã cùng bàn bạc, đi đến thống nhất cách làm: Tiết kiệm chi, tạm hoãn các khoản chi chưa cần thiết, vay của anh em, vay từ nguồn quỹ Hội. Kết quả thật bất ngờ, 100% cán bộ, hội viên đóng đủ và đóng đúng thời gian quy định. Điển hình như CCB Bùi Thọ Sử, 88 tuổi, thương binh chống Pháp, bệnh nặng, liệt cả hai chân, nhưng nghe thông báo đã nhiệt tình hưởng ứng ngay. Cụ giục vợ mang tiền đi nộp gần như sớm nhất toàn Hội. Không chỉ đóng theo quy định chung, nhiều CCB còn đóng thêm. Tính ra toàn Hội đã có gần 300 CCB ủng hộ thêm từ 100 ngàn đồng đến vài triệu đồng như: CCB Nguyễn Văn Di ủng hộ 10 triệu đồng, Lê Văn Huy gần 7 triệu đồng… Đặc biệt, có 189 hội viên hiến 1.574m2 đất, ước tính 5,3 tỷ đồng để làm đường giao thông. Trong đó CCB Phạm Văn Hạnh hiến 34m2; Nguyễn Văn Kỳ gần 100m2. Đồng chí Hạnh còn cho khu dân cư vay 40 triệu đồng mua vật liệu. Tính ra toàn Hội đã đóng góp được tới 5,7 tỷ đông và 21 ngàn ngày công. Đây quả là số tiền không nhỏ.
Đồng thời, cán bộ hội viên CCB còn giữ vị trí chủ chốt trong các Ban xây dựng và Ban giám sát công trình. Đồng chí Phạm Văn Tài, 78 tuổi, vợ ốm nhiều năm, nhiệm vụ của chi hội trưởng rất bận, nhưng vẫn vui vẻ đảm nhận chủ trì việc thi công con đường của xóm dài gần 100m, rộng 5,5m. Từ việc thăm dò, đo đạc, thu tiền, quyên góp tài trợ đến việc phân công lao động, tổ chức thi công đều diễn ra suôn sẻ, đảm bảo chất lượng và tiết kiệm.
Ngoài ra, Hội CCB còn gương mẫu đi đầu trong công tác chỉnh trang đô thị, đóng góp hơn 1 tỷ đồng cùng nhân dân lát vỉa hè bằng gạch tự chèn, có độ bền cao và màu sắc, mẫu mã đẹp, đưa TP Hải Dương trở thành một trong những đô thị khang trang, hiện đại.
Lê Đình Vượng