Vía Tết làm nên Tết

**TRẦN ĐĂNG KHOA
**
Mỗi nước có phong tục đón Tết khác nhau. Chú không biết cách đón tết của người Mỹ và người ở các nước khác thế nào. Chú chỉ biết phong vị Tết của nước Nga thôi.

Ở nước Nga, người Việt đón đến... hai cái Tết. Tết Tây và Tết Ta. Tết Tây là ngày mồng Một tháng Một dương lịch. Người Nga chỉ nghỉ Tết một ngày. Chính vì thế, mà cái Tết vèo qua rất nhanh.

Đối với người Việt còn chưa quen phong tục ấy, thì nó như một giấc mơ đẹp dang dở. Nhưng để có giấc mơ ấy, người Nga đã rục rịch chuẩn bị trước hàng tháng trời. Trên đường phố, hay trong các cửa hàng, cửa hiệu, vào trung tuần tháng Chạp, người ta đã thấy phấp phới những tấm băng đỏ chào mừng năm mới. Rồi những cây thông nhựa treo bùng biêng những ông già Tuyết, những quả thuỷ tinh nhóng nhánh nhiều màu. Rồi kẹo. Rồi bánh. Rồi đồ chơi dành cho trẻ em. Nhìn vào đâu cũng tưng bừng, náo nhiệt.

Ở Việt Nam, ngày Tết, người ta thường đến nhà nhau, thăm hỏi, chúc tụng, cầu cho nhau luôn gặp được những điều tốt lành. Mình đến nhà bạn chúc Tết, trong khi bạn cũng lại đến nhà mình. Thế là cả hai đều không gặp được nhau, đều nhông nhông trên đường. Nhưng như thế lại vui. Tết mà! Tết Việt Nam là thế. Là cứ bung ra đường. Tết ở ngoài đường, ngoài phố.

Còn ở nước Nga thì ngược lại. Người ta ít ra đường, cũng không đến nhà nhau. Tết Nga lại co vào trong nhà. Đấy là cái tổ ấm chỉ vợ chồng, con cái với nhau. Người ta cũng bày cây thông, trang trí lại nhà cửa, nấu những món ăn cổ truyền. Người Nga không thích tiếp khách trong nhà riêng vào những ngày Tết ấy. Đúng khoảnh khắc giao thừa, người ta chúc nhau qua telephon hoặc qua những cánh thiếp đã gửi đi từ mấy ngày trước đó. Còn ở các kí túc xá sinh viên có người nước ngoài thì thật náo nhiệt. Họ nhảy múa, ca hát tưng bừng ở trong phòng rồi tràn cả ra hành lang chói chang ánh điện. Một anh chàng xúng xính trong bộ áo quần ông già Tuyết, chống cây gậy bịt giấy bạc đi dọc hành lang. Phía sau là một cô gái Tuyết lộng lẫy, tay xủng xẻng lắc sắc sô, vừa đi vừa nhún nhảy, gặp phòng nào cũng gõ cửa, rồi ném kẹo vào. Ấy là món quà đầu xuân của ông già Tuyết...

Còn Tết Ta ở nước ngoài thì buồn lắm. Nó lạc lõng và xa lạ. Bởi với người nước ngoài, ngày đó là một ngày bình thường. Không khí dửng dưng một màu nhạt thếch.

Nhiều lúc chú cứ lẩn mẩn tự hỏi, không biết cái gì làm nên Tết nhỉ? Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ như các cụ nói ư? Hình như là chả phải. Ở nước Nga, vào dịp Tết Ta, cánh sinh viên cũng tụ tập nhau lại cùng đón Tết. Họ cũng làm cành đào, làm giống y như thật, rồi dưa hành, rồi thịt mỡ, rồi bánh chưng. Rồi tiết canh lòng lợn. Chẳng còn thiếu cái gì trong thời kinh tế thị trường. Người ta còn chuyển được cả lá mùi già sang Maxcova để nấu nước thơm rửa mặt trong ngày đầu năm, như ở làng quê ta xưa vào dịp tết nhất. Vậy mà rồi vẫn cứ không ra Tết, không thành Tết.

Vì sao vậy? Vì không có được cái không khí của Tết. Đó là cái không khí tất bật, chộn rộn, là mùi hương trầm phảng phất trong không gian, là cái lạnh heo heo, là một ít mưa xuân như khói sương bay phơ phất đâu đó, là chút bâng khuâng xao xuyến trong lòng người. Đó chính là không khí Tết. Hình như chính cái đó mới làm nên Tết. Và cái không khí Tết, cái hồn vía Tết ấy thì người Việt ở nước ngoài, dù có đầy đủ vật chất, tiền bạc nhiều đến đâu cũng không thể tạo ra được. Kể lại với cháu điều này, cũng để chia sẻ nỗi buồn với bạn bè chú, những người Việt đang ở Nga, ở nhiều châu lục trên hành tinh này. Họ đón Tết mà hình như vẫn không có Tết...

TĐK