“Vị trí, vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong Hệ thống chính trị hiện nay”
Điều 3, Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005 quy định: “Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong Hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam”.
Như vậy, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và bốn tổ chức chính trị - xã hội còn lại (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây gọi chung là Hội) là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quy định này xuất phát từ yêu cầu khách quan, là vấn đề lịch sử - truyền thống: Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đến nay cả nước ta có trên 4 triệu cựu chiến binh. Đây là lực lượng cách mạng tuyệt đối trung thành với Đảng, có kinh nghiệm chiến đấu trong cách mạng và xây dựng đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh và đánh giá cao sự hy sinh, cống hiến to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, vị trí, vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam không phải tự Hội đặt ra mà do chính nhân dân và lịch sử thừa nhận.
Hội có vị trí là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Vị trí này xuất phát từ mục đích ra đời của Hội là để tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu, tình đồng chí, đồng đội. Trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, mặc dù được thành lập sau (1989), nhưng đã sớm khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội mạnh cả chất và lượng, thể hiện vị trí rất quan trọng ở nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động chính trị, xã hội. Phong trào và hoạt động của các cấp Hội được Đảng và Nhà nước đánh giá cao; được nhân dân quí trọng, tin tưởng.
Hội có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư. Vai trò đó thể hiện qua việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội, đó là:
- Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.
- Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; kiến nghị với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.
- Tập hợp, đoàn kết, động viên cựu chiến binh rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia tổ chức câu lạc bộ, ban liên lạc cựu quân nhân, các phong trào cách mạng ở cơ sở.
- Tổ chức chăm lo, giúp đỡ cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; tổ chức các hoạt động tình nghĩa để cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cựu chiến binh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cựu chiến binh.
- Tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
- Phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan quân sự giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.
Vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đóng góp ngày càng hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ ngày thành lập đến nay, hoạt động của các cấp Hội ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực: Hội đã tích cực chăm lo đời sống hội viên, cựu quân nhân thông qua chủ trương xóa đói giảm nghèo; vận động quần chúng nhân dân khắc phục các điểm nóng, hòa giải tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; thực hiện cuộc vận động toàn dân đòan kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ trật tự trị an, an toàn xã hội, xây dựng mối đoàn kết, tương trợ tình làng nghĩa xóm ở tại địa phương, các khu dân cư. Nội bộ Hội luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, gương mẫu và đổi mới, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức nhiều hoạt động khoa giáo phong phú, đa dạng, hiệu quả và thiết thực: nói chuyện truyền thống, kháng chiến, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên; phối hợp cùng với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện các nội dung về nguồn, hướng dẫn tham quan các di tích lịch sử cách mạng…
Hội luôn coi trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cách mạng cho các cán bộ, hội viên. Nhờ vậy, hội viên, cựu chiến binh tiếp cận nhanh với những vấn đề thời sự, định hướng được tư tưởng trước những sự kiện lớn, những biến động phức tạp, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng. Phạm vi hoạt động rộng đã giúp Hội hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của cựu chiến binh và nhân dân, chủ động tham gia đóng góp ý kiến cho cấp uỷ, chính quyền các cấp về các vấn đề chính trị - xã hội. Hội còn kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp và tham gia tích cực trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, những biểu hiện tham nhũng, quan liêu ở cơ sở, góp phần ổn định tình hình chính trị địa phương. Các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội hay huấn luyện dân quân tự vệ, diễn tập phòng thủ đều không thể vắng mặt những cựu chiến binh.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, hoạt động của Hội Cựu chiến binh cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm. Công tác chính trị, tư tưởng, có lúc, có nơi chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cựu chiến binh, chưa chủ động giải quyết các vấn đề của thực tiễn đặt ra. Số hộ nghèo giảm chậm, hộ khá và giàu chưa nhiều. Nền nếp, chế độ sinh hoạt của một số tổ chức hội chưa đúng quy định; chất lượng sinh hoạt và hình thức hoạt động chưa thiết thực, chậm đổi mới. Công tác phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chưa thật chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội có mặt còn hạn chế.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội cựu chiến binh, các tổ chức hội cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu công tác vận động quần chúng trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương để kịp thời nắm bắt, tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề liên quan.
Nguyễn Thùy Dương
Giảng viên khoa Nhà nước pháp luật, trường đào tạo cán bộ Lê Hồng phong Hà Nội