Vì tính mạng, tài sản của người lao động và an toàn xã hội

Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong sản xuất và đời sống xã hội để tránh những tổn thất không đáng có cho người lao động, cho các doanh nghiệp và cho cả xã hội.
Tiếp nối công việc từ những năm trước, ngày 15-3, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ T.Ư đã tổ chức lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ và PCCN lần thứ 17-2015 với chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Đây là dịp để chúng ta cùng nhắc nhở nhau thực hiện tốt các công việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng người lao động, bảo vệ tài sản công dân và tài sản Nhà nước.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ Trung ương, trong năm 2014, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, làm 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng với tổng số ngày nghỉ do tai nạn là 81.000 ngày. Trong số này, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người nhiều nhất với 1.171 vụ; 101 người chết, tiếp đến là Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai, Lai Châu, Long An, Lâm Đồng , Thanh Hoá… Đồng Nai là địa phương có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất nước với 1.462 vụ. Con số trên chưa tuyệt đối chính xác vì thực tế tại nhiều địa phương, tại một số doanh nghiệp khi xảy ra tai nạn lao động chết người thường không khai báo, lẳng lặng đền bù giải quyết hậu quả để tránh những liên luỵ về pháp luật. Phân tích các vụ tai nạn lao động cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động do người sử dụng lao động chiếm 72,7% không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện cho người lao động, không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động; lỗi do người lao động chỉ chiếm 13,4%, còn lại là do nguyên nhân khách quan. Năm 2014, thiệt hại vật chất do tai nạn lao động trên toàn quốc là 90,78 tỷ đồng. Các lĩnh vực, ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động được xác định là khai thác khoáng sản, xây dựng, điện, cơ khí và chế tạo. Qua công tác khám sức khoẻ định kỳ hơn 1.100 nghìn lao động cả nước thì có tới 20% số người được khám có sức khoẻ loại 4 và loại 5. Số vụ tai nạn lao động được dự báo sẽ còn tăng trong bối cảnh hiện nay nước ta đang có chuyển dịch lớn về cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và xây dựng. Hiên nay nước ta vẫn còn khoảng 35 triệu người lao động chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm. Còn về lĩnh vực phòng chống cháy nổ, trong năm 2014 cả nước xảy ra 2.370 vụ cháy làm chết 90 người, bị thương 143 người, gây thiệt hại 1.300 tỷ đồng và 1.300ha rừng bị cháy trụi, nổi lên như vụ cháy xe bồn chứa 28.000 lít xăng tại huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), vụ nổ hoá chất ở Khu công nghiệp Bình Dương; các vụ cháy ở Khu công nghiệp Quang Minh, chợ Cầu Diễn (Hà Nội); chợ Phố Hiến (Hưng Yên)… Những hậu quả do tai nạn lao động và do hỏa hoạn gây ra không chỉ đơn thuần là những con số thống kê được mà còn gây nên ảnh hưởng xấu rất lớn đến đời sống xã hội. Tai nạn lao động và hoả hoạn đang là nỗi lo thường trực của đời sống xã hội chúng ta.
Hưởng ứng Tuấn lễ quốc gia về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, thiết thực bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người lao động, bảo vệ tài sản công dân và tài sản xã hội hiện đang là công việc cấp bách của mỗi người chúng ta, của các doanh nghiệp và của cả xã hội với ý thức cảnh giác thường xuyên và mọi lúc, mọi nơi như chủ đề của năm nay là “ Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”.
Lê Doãn Chiêu