Vị thế mới của chủ đầu tư Việt Nam trong các dự án khách sạn đẳng cấp quốc tế
Bắt đầu từ những năm 2010, với hàng loạt các thương vụ M&A của nhà đầu tư trong nước đối với các khách sạn thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, cho đến nay nhà đầu tư nội đã dần nắm giữ vị thế trên thị trường bằng một cách thức mới và chủ động hơn. Cụ thể, những thương hiệu khách sạn nước ngoài chỉ đảm nhận việc vận hành và quản lý thương hiệu, còn xây dựng hạ tầng và xác định chiến lược được thực hiện bởi nhà đầu tư Việt Nam, phía nhà đầu tư Việt Nam cũng là những người chủ động trong việc lựa chọn thương hiệu mà phù hợp với kế hoạch phát triển cho riêng mình.
Theo một báo cáo của Công ty Bất động sản JLL phát hành cuối tháng 6 vừa qua, từ 2017 đến 2020, Hà Nội sẽ chứng kiến sự có mặt của 13 khách sạn phân khúc trung hạn trở lên, trong đó, có đến 12 dự án mang thương hiệu nước ngoài. Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các khách sạn thương hiệu nước ngoài cũng góp mặt chủ đạo trong số các khách sạn sắp được mở trong trung hạn. Điểm chung của những dự án này là hầu hết đều tuân theo cách thức “nội xây - ngoại quản lý”
Trong đó, tại khu vực Hà Nội, Tập đoàn BRG nổi lên với hai dự án khách sạn lớn tại Hà Nội gồm tổ hợp hai khách sạn cao cấp thương hiệu Hilton là Hilton Hanoi Westlake và DoubleTree by Hilton Hanoi Westlake được xây dựng trên khu đất Khách sạn Thắng Lợi cạnh Hồ Tây với hơn 600 phòng lưu trú được cung cấp. Bên cạnh đó là khách sạn hạng sang Four Seasons tọa lạc tại vị trí sát cạnh Hồ Gươm, được xem là một biểu tượng mới của khu vực trung tâm Thủ đô.
Vị thế đi kèm trách nhiệm lớn
Có thể nói, trong kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng tại một nước đang phát triển như Việt Nam thì việc gắn một thương hiệu quốc tế danh tiếng là rất quan trọng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của các nhà đầu tư trong nước đang thực sự rõ ràng và chủ động, nhất là trong việc định hướng và thiết lập hạ tầng.
Hoạt động kinh doanh khách sạn đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao. Đặc điểm này xuất phát từ tính chất cao cấp của các sản phẩm khách sạn, đòi hỏi các yếu tố thuộc về cơ sở vật chất kỹ thuật của khách sạn cũng phải cao cấp tương ứng. Sự sang trọng của các trang thiết bị lắp đặt bên trong khách sạn chính là một trong những nguyên nhân chính đẩy chi phí đầu tư khách sạn lên cao. Từ đó, trách nhiệm nặng nề đó giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào nhà đầu tư trong nước.
Theo tìm hiểu, để thuyết phục được các thương hiệu khách sạn có uy tín hàng đầu thế giới tham gia vào dự án, thực hiện ý tưởng của nhà đầu tư luôn là một bài toán khó. Trước hết, nhà đầu tư cần phải xác định rõ quy mô khách sạn là 5 sao, 6 sao, hay 7 sao, tương ứng với số sao sẽ là những mức vốn đầu tư và lựa chọn vị trí triển khai cho phù hợp. Sau khi chuẩn bị xong các bước trên, nhà đầu tư tiếp tục phải đi tìm lời giải cho “bài toán” thuyết phục các thương hiệu khách sạn uy tín tham gia. Để thuyết phục được những thương hiệu hàng đầu thế giới, nhà đầu tư phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố “Uy tín - Tiềm lực tài chính - Chiến lược đủ tầm”. Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên sẽ rất khó “bắt tay” thương hiệu ngoại danh tiếng. Khi chuẩn bị được đủ các điều kiện, các thương hiệu ngoại sẽ yên tâm đưa ra nhiều phương án cho nhà đầu tư lựa chọn phương án phù hợp với định hướng, phù hợp nhu cầu phát triển của thị trường để thương hiệu khách sạn lớn thực hiện theo đúng ý tưởng nhà đầu tư đã lựa chọn. Qua đó, khách sạn cao cấp đạt chuẩn quốc tế sau khi hoàn thành sẽ mang những dấu ấn rõ nét về tiềm lực và tầm nhìn của nhà đầu tư.
Cách thức phát triển khách sạn có sự phối hợp và phân chia nhiệm vụ rõ ràng giữa hai khối đối tác đem lại nhiều lợi thế và tận dụng tốt khả năng của các bên. Sự am hiểu về vị trí và định hướng thị trường thì các nhà đầu tư trong nước sẽ nắm rõ, bên cạnh đó là thế mạnh về thông thạo các thủ tục hành chính, lựa chọn nhà thầu xây dựng là các yếu tố đặc trưng mà đối tác trong nước có thể đảm bảo. Về phía nhà quản lý nước ngoài, họ lại có bề dày kinh nghiệm quản lý, nền tảng khách hàng và thương hiệu mạnh sẽ đảm bảo sự vận hành và phát triển mang đến lợi ích và phù hợp với định hướng của nhà đầu tư.
Một ví dụ điển hình cho mối liên kết phát triển khách sạn giữa hai khối nội-ngoại trong thời điểm hiện tại là tập đoàn BRG cùng các đối tác là các Tập đoàn khách sạn hàng đầu trên thế giới như Hilton Worldwide, Marriott hay Four Seasons. Sự phát triển đó đã đưa các khách sạn của BRG đồng hành cùng các thương hiệu nổi tiếng quốc tế không chỉ phát triển tại Hà Nội mà còn vươn ra các khu vực giàu tiềm năng về du lịch như dự án khách sạn Hilton Hải Phòng và Sheraton Đà Nẵng…
Rõ ràng, sử mô hình khách sạn mới và cách thức quản lý tiên tiến của những đơn vị quản lý khách sạn lớn trên thế giới là bước đi tối ưu tại thời điểm hiện tại của những nhà đầu tư khách sạn trong nước. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành khách sạn của Việt Nam sau một thời gian dài quá phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Từ việc chủ động nghiên cứu và định hướng phát triển, làm chủ tài sản trên sân nhà sẽ tránh được việc phần lớn lợi nhuận bị đẩy ra ngoài biên giới.
Theo Tiền Phong