Vì sao tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội lại chậm? (16/12/2013)
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 10-2013, trong số 939 khách hàng cá nhân được ngân hàng cam kết cho vay với số tiền 333 tỷ đồng, có 905 khách hàng đã được giải ngân với dư nợ 220 tỷ đồng. Với các khách hàng là doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước xác nhận 7 trường hợp được cam kết cho vay 870 tỷ đồng nhưng mới có 4 doanh nghiệp được giải ngân với số tiền 122 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân trong việc chậm trễ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, trong đó lý do chính là nguồn cung nhà ở xã hội hiện còn quá ít nên số dự án đủ điều kiện cho vay và giải ngân chưa nhiều. Nhu cầu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên cả nước được tổng hợp là trên 1 triệu căn hộ, nhưng theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước mới có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với quy mô hơn 31.800 căn nhà, trong đó có 34 dự án cho người thu nhập thấp với quy mô 18.800 căn nhà. Hai địa phương trọng điểm có nhu cầu nhà ở xã hội cao là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới có 21 dự án hoàn thành với 6.500 căn nhà trong khi nhu cầu nhà ở xã hội của hai thành phố này là 171.000 căn. Cùng với việc nguồn cung nhà ở xã hội còn quá ít so với nhu cầu thì số nhà ở thương mại đáp ứng được hoàn cảnh của người thu nhập thấp với giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2/căn hộ cũng lại quá ít, nếu không muốn nói là không có trên thực tế.
Bấy lâu nay các doanh nghiệp xây dựng chỉ quan tâm đến các loại căn hộ thương mại “hoành tráng” cho các đối tượng không nghèo để có lợi nhuận cao nên nay không thể chia nhỏ các nhà này bán cho người có thu nhập thấp được. Đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội và cũng chính là gỡ khó cho doanh nghiệp tìm lối ra, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở các địa bàn trọng điểm đã thực hiện chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội, điều chỉnh diện tích và thiết kế nhưng trên thực tế thì tiến độ đến nay cũng rất chậm. Do nhiều nguyên nhân như chỉ tiêu quy hoạch cùng thủ tục liên quan như tiền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng, điều kiện hộ khẩu, khả năng trả nợ của người mua do là người có thu nhập thấp nên đến nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới có 6/25 dự án dạng này được cấp phép, cả nước mới có 57 dự án loại này đăng ký trong tổng số hàng ngàn dự án nhà ở, khu đô thị mới được triển khai… Và, một nguyên nhân chính nữa là do sự cẩn trọng của các ngân hàng khi thực hiện chính sách cho vay gói 30.000 tỷ này với nhiều thủ tục, yêu cầu giải ngân rất chặt chẽ để không bị sai đối tượng và hỗ trợ không đúng mục đích, tránh “thả gà ra mà đuổi” để lại hậu quả mất vốn và rơi vào nợ xấu. Những nguyên nhân này đang là vấn đề băn khoăn của dư luận về tiến độ giải ngân quá chậm gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp của Chính phủ trong thời gian qua.
Gỡ khó cho vấn đề này, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, xác định đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở theo hướng mở rộng hơn, trong đó bổ sung trường hợp người có đất ở nhưng diện tích nhỏ hơn diện tích được cấp phép xây dựng; dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được trả lại tiền sử dụng đất hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính, được vay ưu đãi từ ngân sách, được dành 20% quỹ đất làm nhà ở thương mại để bù đắp chi phí… Với nhiều nỗ lực khắc phục từ các cấp, các ngành, hy vọng thời gian tới tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ được đẩy nhanh tiến độ, giúp cho các doanh nghiệp xây dựng có điều kiện tốt để xây nhiều nhà ở xã hội, người thu nhập thấp có thể dễ dàng mua được nhà ở, giải quyết tốt an sinh xã hội, góp phần khôi phục kinh tế đất nước.
Mạnh Thắng