Vì sao Táo Quân “nhạt”?

Đã thành thông lệ từ hơn chục năm nay, sau Tết, dư luận lại râm ran tranh luận xem chương trình Táo Quân (Gặp nhau cuối năm của VTV) “đậm” hay “nhạt”. Năm ngoái, dư luận chê nhạt, dẫn đến có những ý kiến nên “kết thúc” chương trình này. Nói vậy, nhưng Táo Quân đã trở thành một món ăn tinh thần được công chúng cả nước chờ đợi, nên Táo Quân năm nay vẫn được sản xuất. Có điều, những lời băn khoăn, bày tỏ thất vọng có phần nhiều hơn năm ngoái.

Vì sao Táo Quân nhạt? Có người cho rằng, vì chương trình năm nay đưa nội dung quảng cáo cho các doanh nghiệp quá gượng ép. Có người thì nhắc lại những nguyên nhân đã được nhắc nhiều lần như mô - típ chương trình đã cũ, dàn diễn viên cũng cũ (sau 16 năm, các diễn viên chính của chương trình không thay đổi). Có người nhắc đến quy luật của các chương trình truyền hình, rằng “sơn hào hải vị” nhưng ăn mãi cũng nhàm, thực chất thì chương trình ngày càng được sản xuất chuyên nghiệp hơn, kỹ năng, kỹ xảo tốt hơn, nội dung phong phú hơn nhưng khán giả đã “no nê” nên chán mà tỏ lời chưa khen như vậy?

Tôi cho rằng, những nguyên nhân nói trên là có, nhưng Táo Quân Tết 2019 của VTV nhạt vì những người làm chương trình đã né tránh quá nhiều vấn đề lớn mà công chúng quan tâm. Cần phải nhận thấy rằng, Táo Quân là một chương trình “hài chính luận”, tức là một chương trình truyền hình giải trí nhưng lấy đề tài từ mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống, đã xảy ra trong năm cũ. Nội dung quyết định thành bại của chương trình. Những diễn viên chính của chương trình đều là những nghệ sĩ có tài, dù đã diễn hàng chục năm nhưng hiện nay họ vẫn là những tên tuổi hút khách của sân khấu, nói theo ngôn ngữ hiện thời là độ “hot” của họ vẫn cực cao; vì vậy sự xuất hiện của họ chính là yếu tố đảm bảo sức hút của chương trình, chứ không phải là nguyên nhân gây nhạt. Về kết cấu của chương trình, nó như bộ xương định hình cơ thể, đó là nền tảng, là cần trục chính cho các đạo diễn định hình, định dạng nên mô - típ là khó thay đổi.

Hãy thử nhìn xem năm 2018 chúng ta có gì để giễu nhại, châm biếm, đả kích hay chọc cười? Lĩnh vực kinh tế, là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà; chúng ta tăng trưởng GDP 7,08%, cao nhất thế giới, vượt cả Trung Quốc. Nhưng có biết bao điều mà Táo Quân có thể giúp người dân nhìn thấu “vòng nguyệt quế” này?

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Tăng trưởng “nhanh nhất thế giới”, Việt Nam vẫn còn rất nhiều “việc phải làm”. Đó quả là một ý kiến xác đáng. “Tụt hậu xa hơn về kinh tế” vẫn là nguy cơ lớn của đất nước. Năng suất lao động của người Việt Nam vẫn thuộc “top” thấp nhất thế giới.

Tham nhũng, lãng phí thì không cần phải nói, như các nghị quyết của T.Ư Đảng đã khẳng định, vẫn là “quốc nạn” đe dọa sự tồn vong của chế độ, của đất nước. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí do Đảng ta lãnh đạo năm 2018 có rất nhiều điểm nhấn như việc xử các vụ đại án, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay những cuộc đấu trí quyết liệt để thu hồi tài sản tham nhũng... Những vấn đề cực kỳ sâu sắc đó là mảnh đất màu mỡ của việc sáng tạo một chương bi - hài kịch nhưng đã bị những người làm Táo Quân bỏ qua một cách đáng tiếc!

Hay như trong việc tinh giản bộ máy, lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết rất công phu, khi ra đời đã đi ngay vào cuộc sống, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã rốt ráo tìm tòi con đường tinh giản, thu được những thành tựu bước đầu nhiều ý nghĩa và cũng đặt ra bao nhiêu tình huống bi hài cần giải quyết. Còn trong lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực nền tảng tinh thần của xã hội gặp biết bao mâu thuẫn của sự phát triển, như chuyện hãng phim truyện quốc gia bị “bán” vào tay trọc phú khiến các nghệ sĩ nổi giận... Có thể nói, cái “tầm” của chương trình đã không được quan tâm nên Táo Quân Tết 2019 đã bị nhỏ đi rất nhiều. Nói “nhạt” là chưa chính xác, bởi bằng tài năng của các diễn viên, chương trình vẫn xem được và không ít chi tiết, câu thoại khiến khán giả thích thú.

Có một điều mà khán giả có thể thông cảm với những người làm chương trình Táo Quân là áp lực mà họ gặp phải. Chế giễu, châm biếm những vấn đề chính luận lớn của đất nước là đụng vào những người có chức, có quyền. Chí Trung đã từng xin thôi làm Táo Giao thông vì những áp lực vô hình!

Như vậy, xét cho cùng là dũng khí của người làm chương trình. Nếu có dũng khí, dám giữ bản sắc cho chương trình bằng cách bám sát những vấn đề lớn trong dòng thời sự chủ lưu của đất nước thì Táo Quân sẽ không bao giờ nhạt.

Táo Quân của VTV giờ đã không đơn thuần là chương trình giải trí cuối năm, nó thực sự là một trong số nhiều tín hiệu để nhận biết trình độ dân chủ của xã hội và đất nước. Tôi tin rằng, nâng cao chất lượng của chương trình là một điều cần thiết và là điều công chúng mong chờ.

Nguyễn Hồng