Vì sao nền văn minh Maya biến mất? (26/12/2012)
Cách nay khoảng 1.200 năm, người Maya thống trị toàn bộ khu vực Trung Mỹ. Trong thời kỳ thịnh vượng nhất những năm 800-900, mật độ dân số các thành phố tại trung tâm đế chế (bắc Guatemala ngày nay) rất đông đúc với khoảng hơn 700 người/ km2.
Ngay cả vùng nông thôn, mật độ dân số vào khoảng gần 100 đến 300 người/km2. Đột nhiên, tất cả họ sau đó đều tĩnh lặng đến bất ngờ. Các nhà nghiên cứu phát hiện, khoảng năm 950, lượng dân cư sụt giảm nghiêm trọng, khoảng 90-95% người Maya đã chết.
Sự tĩnh lặng đầy bí ẩn đó khiến nhiều người cho rằng đây là một trong những thảm hoạ lớn nhất về nhân khẩu học thời tiền sử của con người - sự biến mất của xã hội người Maya từng rực rỡ trong lịch sử. Điều gì đã xảy ra với nền văn minh đó?
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học được hỗ trợ của Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA) đã tìm ra một ý tưởng giải thích thoả đáng bí ẩn trên. Theo nhà khảo cổ học kỳ cựu Tom Sever: "Chính người Maya đã gây ra điều đó cho chính mình".
Người Maya được cho là cư dân sống hài hoà và thân thiện với môi trường xung quanh. Thực tế, cũng như các nền văn minh trước hay kế tục họ, người Maya phải phá rừng và huỷ hoại cảnh quan xung quanh họ trong nỗ lực duy trì cuộc sống để tồn tại ở những giai đoạn khó khăn.
Họ tàn phá rừng thông qua việc chặt và đốt cây, lấy đất trồng trọt, làm nương rẫy, phục vụ cho nông nghiệp. Điều này phát sinh nhiều thứ tồi tệ.
Giới khoa học phát hiện có một đợt hạn hán lớn từng diễn ra đúng thời điểm người Maya biến mất chỉ thời gian rất ngắn sau thời kỳ phát triển cực thịnh của họ. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu thấy, trùng thời điểm suy tàn nền văn minh Maya, chính người Maya chặt hầu hết số lượng cây có trên mặt đất, nơi họ đang định cư làm các cánh đồng canh tác ngô, đáp ứng nhu cầu lương thực dân số phát triển quá nhanh.
Ngoài việc canh tác, gỗ còn được dùng làm củi hoặc vật liệu xây dựng. Người Maya cần đốt rất nhiều cây, dùng nó làm nóng chảy đá vôi, từ đó tạo ra vữa vôi xây dựng các kim tự tháp, đền đài khổng lồ, hồ chứa.
Nhóm nhà khoa học đã xây dựng mô hình máy tính khôi phục nhằm trả lời câu hỏi: Làm cách nào mà việc phá rừng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến tình trạng hạn hán trở nên tồi tệ hơn. Theo các kết quả nghiên cứu công bố, nếu toàn bộ số cây bị chặt phá thì nhiệt độ tăng thêm 3-5 độ và giảm lượng nước mưa xuống khoảng 20-30 %.
Thực tế hạn hán xảy ra ở khắp khu vực khác nhau của đế chế; và chính nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm bởi sự phá rừng cục bộ gây ra các vấn đề nghiêm trọng đủ đưa các thành phố lớn của từng quốc gia hùng mạnh trong đế chế vào bờ vực của sự diệt vong. Đó là việc canh tác quá mức nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng, khiến đất đai suy kiệt và sói mòn. Việc phá rừng làm nương rẫy liên tục trên quy mô lớn khiến diện tích rừng thu hẹp nhanh chóng và hạn hán diễn ra với tần suất nhiều hơn.
Không những vậy, hạn hán làm khả năng chứa nước tại các hồ chứa suy giảm, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để duy trì sự phát triển trong mùa khô. Đói kém và khát không làm cho cuộc sống hạnh phúc trong cộng đồng dân cư tại các thành phố này được duy trì và nhiều yếu tố nảy sinh kèm theo.
Không một yếu tố độc lập nào có thể đưa một nền văn minh rực rỡ như vậy tới bờ vực bị diệt vong, nhưng chính sự phá rừng ở quy mô lớn, kèm theo nhiều đợt hạn hán kéo dài, khí hậu biến đổi, và nhiều vấn đề liên quan khác trở nên trầm trọng hơn như sự khô cằn của đất canh tác và sụt giảm năng suất, mất ổn định quốc gia, chiến tranh giành đất đai, lương thực hay cướp phá của cải, nguồn nước, bệnh tật và cuối cùng là sự thiếu ăn triền miên.
Khi đói kém mất mùa kéo dài, chiến tranh cướp bóc là điều mà chúng ta có thể lường trước được, và sự diệt vong là điều không thể khác được. Từ nhiều yếu tố đó làm suy tàn và biến mất nhanh chóng tới bất ngờ của nền văn minh Maya- nền văn minh rực rỡ một thời trong lịch sử loài người.
Quỳnh Anh (TH)