Vì sao chúng ta kiên định?
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours (Pháp) năm 1920.
Vì sao chúng ta kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?
Câu hỏi đó đặt ra từ lâu, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (1986) mà chúng ta hay gọi là thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, ngày 17-5-2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Sau bài viết, đời sống chính trị của đất nước sôi động hẳn lên. Trên báo chí chính thống, có một diễn đàn rất sôi nổi thảo luận; vừa là hưởng ứng, tán thành; vừa là tiếp tục bàn luận, đưa ra những vấn đề tồn tại, tìm hướng khắc phục. Trên báo chí nước ngoài và mạng xã hội, xuất hiện những bài phản bác, bôi đen của các thế lực thù địch với Việt Nam...
Nói về đấu tranh lý luận thì rất dài dòng, không thể đóng khuôn trong một bài viết ngắn. Có người nói, con đường nào cũng được, miễn là đất nước được độc lập, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Nói thế là “lý sự cùn”, vô trách nhiệm, vì làm gì có con đường vô danh nào “ăn sẵn” như thế. Nền chính trị thế giới đang phát triển vô cùng năng động cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng chung quy lại, các quốc gia, vùng lãnh thổ hiện nay chỉ có hai con đường, hai mô hình để phát triển. Đó là con đường tư bản chủ nghĩa và con đường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam không thể tách mình khỏi thế giới, nên chỉ có thể chọn một trong hai con đường đó mà thôi.
Con đường tư bản chủ nghĩa, hiện có khoảng gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ đi theo. Nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó là nước phát triển, như khối G7 và một số nước, vùng lãnh thổ công nghiệp mới nổi... Vấn đề đặt ra là: Tại sao hàng trăm quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ, cả những quốc gia thuộc Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa trước đây đã lựa chọn mô hình quốc gia tư bản nhưng đất nước vẫn không phát triển được, thậm chí rất nhiều nước vẫn chìm trong nội chiến, đói nghèo?
Thực ra, câu hỏi này, có một người Việt Nam đã đặt ra và tìm cách trả lời từ cách đây 110 năm trước. Người đó là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Bến Nhà Rồng, bắt đầu cuộc hành trình gần 30 năm, trải qua khoảng 30 quốc gia với một tâm nguyện thiết tha: Tìm con đường mưu cầu độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.
Năm 1912, Nguyễn Ái Quốc đã đến Mỹ và ở lại đây hơn một năm. Nước Mỹ lúc đó là đất nước giành được độc lập từ tay thực dân Anh, nên đã truyền cho Nguyễn Ái Quốc niềm cảm hứng sâu sắc. Nhưng chứng kiến cảnh người da đen bị đối xử như những nô lệ (và đến nay, sau 110 năm, vấn đề bình đẳng sắc tộc vẫn đang là vấn đề nhức nhối của nước Mỹ); Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra bài học đầu tiên: Thế giới chỉ có hai giống người, người đi bóc lột và người bị bóc lột. Mô hình độc lập của nước Mỹ, vì thế không thỏa mãn Nguyễn Ái Quốc.
Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã dành phần lớn thời gian đến sinh sống và nghiên cứu tình hình nước Anh và nước Pháp, hai nước tư bản phát triển nhất với hệ thống thuộc địa rộng lớn thế giới lúc đó. Người nhận ra rằng, cách mạng Anh, cách mạng Pháp (do giai cấp tư sản lãnh đạo) với những khẩu hiệu mỹ miều, nhưng sau khi giành được chính quyền thì chính những người công nhân, nông dân da trắng cũng bị bóc lột, đàn áp thậm tệ. Rõ ràng, đó là những cuộc cách mạng “chưa đến nơi”. Chỉ đến năm 1917, Cách mạng Tháng Mười “bừng chói ở phương Đông”, mới chỉ cho Nguyễn Ái Quốc thấy rõ một con đường đi đến thỏa mãn cả hai mục tiêu: Dân tộc được độc lập và Nhân dân được tự do, hạnh phúc thực sự; đó là con đường cách mạng vô sản, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ và Đảng ta đã kiên định con đường cách mạng đó, vượt qua biết bao phong ba, bão táp, đưa Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các quốc gia trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Đến nay, thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, nhất là thành công trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” của nước ta hiện nay, tiếp tục trở thành “điểm sáng” được bạn bè quốc tế ca ngợi, đề cao.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam, vốn hay bị bài xích là “cồng kềnh, kém hiệu quả” nay đang trở thành mô hình mà nhiều quốc gia học hỏi, vì sức mạnh và hiệu lực rất rõ ràng.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lựa chọn cho Việt Nam, dù rất đúng đắn nhưng chưa bao giờ dễ dàng. Những vấn đề lý luận và thực tiễn, đã được đề cập rất sâu sắc trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thiết nghĩ, bất kỳ người nào có tâm, có tầm, có trách nhiệm muốn tìm hiểu con đường phát triển đất nước, đều có thể tìm thấy câu trả lời rất rõ ràng trong đó!
Thanh Hà