Vì quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: Cả xã hội cùng làm
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước, là công việc thường xuyên của chính quyền và các cơ quan chức năng nước ta trong những năm qua.
Ngày 15-3 hằng năm là Ngày thế giới bảo vệ người tiêu dùng, tháng 3 hằng năm, nhất là tháng 3-2015 này là Tháng bảo vệ người tiêu dùng; cả năm 2015 là thời gian thực hiện Chương trình “Hành động vì quyền người tiêu dùng Việt Nam” với thông điệp xuyên suốt “Người tiêu dùng hãy lên tiếng” đang là cơ hội lớn cho người tiêu dùng Việt Nam được tự bảo vệ mình.
Thực tế cuộc sống xã hội những năm qua cho thấy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước, trên thị trường vấn nạn vi phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng tăng lên nhanh chóng cả về số vụ cũng như quy mô và tính chất vi phạm, trong đó chủ yếu là nạn hàng giả, hàng nhái. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay ở nước ta hết sức phức tạp, diễn ra tại mỗi địa phương, các vùng miền, từ thành phố đến nông thông thôn, miền núi; tập trung trong 31 ngành hàng thiết yếu từ phụ tùng ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng, đồ nội thất, quần áo, giày dép, thậm chí là tem chống hàng giả cũng bị làm giả… với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật; đặc biệt khi mà hiện nay trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao nên khi một mặt hàng nào đó có triển vọng là lập tức bị làm nhái, làm giả; gây thiệt hại nặng cho người tiêu dùng cả về túi tiền cũng như lâm bệnh (nếu là thực phẩm thuốc) khi sử dụng. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã ra quân bắt giữ, tiêu hủy, phạt tiền rất nhiều nhưng cũng mới chỉ giải quyết được phần nào. Theo thống kê, trong năm 2014, các lực lượng chức năng đã thực hiện 120.000 cuộc kiểm tra, xử lý 64.000 vụ vi phạm, phạt 187 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa trị giá 140 tỷ đồng; trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân bắt giữ, chặn nguồn hàng giả, hàng nhái có kết quả khả quan, thế nhưng chỉ ít ngày sau Tết, chuyện buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ các loại hàng giả, hàng nhái lại tái diễn rầm rộ tại nhiều địa phương. Ngoài chuyện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng tại các thành phố, khu công nghiệp còn bị hoa mắt trước các loại thực phẩm như thịt, rau ngấm các loại thuốc sâu; rau an toàn cũng như rau không an toàn bày đầy chợ mà không có ai đảm bảo. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước hiện nay cũng còn nhiều vấn đề cần bàn, đặc biệt là chuyện xét xử, có những lúc, có những nơi, chuyện xét xử của cơ quan chức năng có tác dụng ngược, người buôn gian bán lậu không bị phạt mà chính người tiêu dùng “lĩnh đòn”. Chuyện mới xảy ra gần đây tại TP. Bến Tre cho thấy, có 163 người tiêu dùng ăn bánh mỳ mua của cơ sở Minh Tuyền bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, có 22 người khởi kiện ra tòa nhưng bị tòa bác đơn vì thiếu hóa đơn mua 1-2 ổ bánh mỳ của Minh Tuyền, không giữ giấy xét nghiệm bệnh phẩm mà lại để bệnh viện giữ… Hay là chuyện một số chai nước của Tân Hiệp Phát bị tố có vật lạ nhưng vì dễ phát hiện nên chẳng ai uống nên chưa gây hậu quả (?) nên người tố phải lẳng lặng mà về… Còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong công cuộc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay mà việc cần làm, người cần làm từ chính quyền các cấp, các cơ quan, lực lượng chức năng. Người tiêu dùng cũng rất cần tự bảo vệ mình trước nạn hàng giả, hàng nhái bằng cách tự nâng cao trình độ nhận biết của mình, nhưng xem ra, để trở thành “người tiêu dùng thông minh” thì còn cần nhiều yếu tố hỗ trợ khác nữa.
Tháng 3-2015 này là Tháng bảo vệ người tiêu dùng; cả năm 2015 là thời gian thực hiện Chương trình “Hành động vì quyền người tiêu dùng Việt Nam” với thông điệp xuyên suốt “Người tiêu dùng hãy lên tiếng”. Đồng hành cùng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, thương mại trên nhiều địa phương đã và đang tổ chức các chuyến hàng về nông thôn, tổ chức các chương trình khuyến mãi, kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng bảo hành, bảo trì sản phẩm; giảm giá bán hợp lý phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng; các lực lượng chức năng tăng cường quản lý thị trường và tại các cửa khẩu; công tác thông tin tuyên truyền đến người tiêu dùng được tiến hành sâu rộng và người tiêu dùng khi có những vấn đề liên quan cần lên tiếng để tự bảo vệ và được xã hội bảo vệ; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tôn trọng người tiêu dùng đang là những nội dung được quan tâm thực hiện trong Chương trình Hành động vì người tiêu dùng Việt Nam.
Mỗi người tiêu dùng và cả xã hội cùng chung sức, chung tay thực hiện để chương trình có hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt các nội dung này là hành động thiết thực góp phần xây dựng thành công kinh tế-xã hội đất nước.
Nguyễn Hải