Vi phạm pháp luật của ông Đặng Thành Tâm vì sao chưa có chỉ đạo xử lý (02/11/2012)

Sau loạt bài “Hơn 600 tỷ đồng chạy đi đâu” của Báo CCB Việt Nam, phản ánh việc ông Đặng Thành Tâm (ĐBQH Khóa XIII), Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Sài Gòn dùng nhiều thủ đoạn rút hàng trăm tỷ đồng, dư luận bạn đọc đặc biệt hoan nghênh Báo CCBVN đã phanh phui sự thật về ông Đặng Thành Tâm và nhóm người thân liên quan đến Ngân hàng TMCP Phương Tây (Cần Thơ) áp dụng việc cho vay được che giấu dưới hình thức đặt cọc, môi giới chứng khoán, ủy thác đầu tư gây khủng hoảng, nợ xấu chiếm 20%, có nguy cơ mất khả năng chi trả ở ngân hàng này… Tiếp theo, báo Cựu Chiến Binh Việt Nam tiếp tục đăng tải các chiêu thức làm ăn vi phạm pháp luật kinh doanh trong thời gian qua của ông Đặng Thành Tâm.

Lũng đoạn nhà băng

Lợi dụng việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng ý cho phép các ngân hàng nâng vốn điều lệ lên 3000 tỷ đồng vào cuối năm 2011, ông Đặng Thành Tâm đã chỉ đạo cho các cổ đông lớn (xác định là người nhà của ông Đặng Thành Tâm) trong Western Bank tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông bất thường 2011 tại Đà Lạt vào ngày 11/1/2011 để bàn bạc, xin ý kiến thông qua Nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng và báo cáo xin đầu tư cổ phiếu của các công ty con thuộc Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn (SGI) của ông Tâm gồm: SQC (Công ty Năng lượng khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn), , Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC),Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SPT).
Một số cá nhân và tổ chức sáng lập ngân hàng này đều có liên quan đến gia đình ông Tâm. Cụ thể : em gái ông Đặng Thành Tâm là Đặng Thị Hoàng Phượng (Kế toán trưởng của Western Bank), vợ ông Tâm là bà Trần Thị Kim Thanh (cổ đông lớn chiếm gần 10 %), Hoàng Minh Hướng (đệ tử ruột của ông Tâm, chiếm 6%), tổ chức góp vốn lớn là SQC (chiếm gần 10%) và SPT (chiếm 10%) đều thuộc tập đoàn ông Tâm. Đa số những người điều hành ngân hàng này có liên quan đến tập đoàn.

Hiện nay những người có liên quan đến ông Tâm đang chiếm giữ khoảng 51% cổ phần tại ngân hàng Phương Tây, khoảng 49% còn lại của các cổ đông khác. Do vậy người nhà ông Tâm có khả năng chi phối các hoạt động liên quan đến việc tăng vốn, cho vay, đầu tư cổ phiếu … trong Đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng Phương Tây vào thời gian tới.

Thực chất vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả, các dự án bỏ hoang nên ông Đặng Thành Tâm chỉ đạo cho những người thân cận tiến hành tăng vốn của ngân hàng nhằm mục đích rút tiền của các nhà đầu tư và người dân một cách hợp pháp. Cụ thể, sau khi tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ đồng, thì toàn bộ số tiền mà các cổ đông đóng góp vào theo tỉ lệ cố phiếu hiện đang nắm giữ sẽ được chuyển thành tiền đầu tư vào cổ phiếu có các liên quan đến các công ty thuộc SGI.

Như vậy, số tiền mà cá nhân, tổ chức có liên quan đến ông Tâm bỏ ra và kể cả tiền của các cổ đông khác sẽ chảy về túi ông Tâm. Trong khi đó Ngân hàng Phương Tây vẫn có thể tăng vốn điều lệ theo đúng quy định của Nhà nước nhưng chỉ ở dưới dạng… giấy, vì số tiền mặt đã chuyển vào đầu tư những cổ phiếu kém chất lượng của các công ty đang có những vấn đề về tài chính và có dấu hiệu bị làm giả của ông Tâm.

Do đó, việc tăng vốn điều lệ và vốn huy động trong dân của ngân hàng bị rút ra đầu tư vào những cổ phiếu có chất lượng kém và sẽ làm mất thanh khoản của Ngân hàng Phương Tây, bởi các công ty này thực tế không hề sinh lợi. Trong trường hợp các công ty con của ông Tâm có sự cố, số cổ phiếu Ngân hàng đang nắm giữ bán ra sẽ không ai mua, cổ đông sẽ bị thiệt hại, Ngân hàng bị sập đổ, việc này có thể ảnh hưởng đến tâm lý chung của người dân đang gửi tiền tại các ngân hàng ổ ạt đổ xô đi rút tiền. Vì thế chiến lược Western Bank đưa vốn vào đầu tư cổ phiếu cho các cônh ty con của SGI là chuyện đương nhiên.

Làm giá cổ phiếu

Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (mã chứng khoán đang giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội SQC), trụ sở đóng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chuyên khai thác và chế biến titan, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng (thực tế giá trị tài sản của nhà máy khoảng 300 tỉ đồng, nhưng được thổi lên thành 1.100 tỉ, sau khi lên sàn được thổi lên với vốn hóa trên dưới 9.000 tỉ đồng). Sau hơn một năm đi vào hoạt động (6/2010), nhà máy chưa xuất khẩu được tấn titan nào, hiện nhà máy đã ngừng hoạt động nhưng giá cổ phiếu của SQC vẫn được làm giá tăng cao. Điều này đã được Giám đốc Truyền thông SGI thừa nhận là có làm giá, muốn đưa lên cỡ nào cũng được.

Thực tế vào thời điểm năm 2010, giá cổ phiếu SQC vẫn đứng ở mức cao thứ ba trên sàn chứng khoán Hà Nội tuy nhiên mỗi ngày chỉ hơn 10 người đặt lệnh bán và hơn 20 người đặt lệnh mua (do người của ông Tâm sử dụng nhiều tài khoản giao dịch với nhau để làm giá, tự mua đi bán lại với nhau), mỗi lệnh đặt mua không vượt quá 500 cổ phiếu (tổng giá trị trên dưới 42 triệu đồng).

Tính theo lợi nhuận về đầu tư, ngày 17/1/2011, mỗi cổ phiếu SQC tăng chỉ 10.000 đồng, như vậy bỏ ra 42 triệu đồng mà chỉ cần lời có 50.000 đồng là điều khó hiểu, trong khi nhà đầu tư phải nộp các khoản phí như giao dịch và thuế lợi nhuận có được. Việc làm giá đã được phơi bày khi ngày 12/4/2010, Ủy Ban chứng khoán đã xử phạt 40 triệu đồng/ người đối với hai nhà đầu tư là ông Hoàn Minh Hướng và bà Quách Thị Nga (hai người này đều có liên quan đến ông Tâm) vì có hành vi tác động lên giá cổ phiếu SQC. Ngày 28/10/2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt SQC 80 triệu đồng, vì việc tạm ngừng và sản xuất cầm chừng tại Nhà máysản xuất titan ba tháng nhưng không thực hiện công bố thông tin bất thường theo quy định.

Khi thủ thuật làm giá thành công, ông Đặng Thành Tâm đã bán luôn 22 triệu cổ phiếu Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), tương đương 20% cổ phần, chỉ trong vòng một tuần (1-8/8/2012) và bỏ vào túi con số khủng.

Mục đích đằng sau động thái này được các chuyên gia đánh giá trên tạp chí Nhịp cầu đầu tư là "trong bối cảnh các nguồn huy động vốn trong nước đang tắc, việc ông Tâm rút tiền mặt về để điều chuyển đến các dự án đang cần vốn của SGI là một lý giải có cơ sở".

Các chuyên gia tài chính đã đặt nghi vấn ở 2 điểm: đánh động sự chú ý của thị trường đến cổ phiếu SQC và giải quyết khó khăn tài chính. Điểm nghi vấn thứ nhất không hẳn là không có cơ sở. Bởi lẽ, ông Tâm đã chuyển nhượng một lượng cổ phiếu lớn và hoàn tất giao dịch rất nhanh chóng. Sau khi chuyển nhượng thành công 20% cổ phần, ông Tâm vẫn còn nắm đến 40% cổ phần tại SQC.

Tất cả nghi ngờ lẫn đánh giá nói trên đều sai lầm hoặc nội dung bài báo cố tình hướng dư luận vào quan điểm trên. Thực tế, ông Nghị đang thực hiện việc “bỏ của chạy lấy người” và cố muốn thu vào được những gì có thể nắm được. Bởi SQC là công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) với 53 công ty thành viên, nơi ông Tâm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Còn người nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị SQC lại là bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ông Tâm.

Nguy cơ sụp đổ

Cũng liên quan đến tài chính, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc được ông Đặng Thành Tâm công bố là hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, có vốn điều lệ gần 3.000 tỉ đồng, số vốn hóa là 10.000 tỉ đồng. Thế nhưng lợi nhuận hàng tháng tính từ công việc chính của đơn vị là trên dưới 150 triệu đồng, trong khi đó phần vốn lưu động hiện tự kê khai là 5.400 tỉ đồng.

Tổng tài sản có khoảng 10.200 tỉ đồng, tài sản tự có là 4.000 tỉ đồng, nợ gần 6.000 tỉ đồng. Như vậy, với doanh thu hiện có thì công ty này có rất nhiều vấn đề về tài chính. Đơn cử với 6.000 tỉ đồng đang nợ, trong đó 2.500 tỉ đồng nợ ngắn hạn đơn vị này sẽ bị áp lực về nguồn lãi vay khoảng 90 tỉ đồng, chưa kể tiền gốc.

Lĩnh vực công nghệ viễn thông mà ông Tâm đang theo đuổi cũng không phải là ngoại lệ. Hai công ty thành viên của SGI là SaigonTel (SGT) và Saigon Postel (SPT) đã có một năm kinh doanh không khả quan (năm rồi, SGI chính thức nắm giữ 41% cổ phần SPT).

Theo báo cáo tài chính của SGT, công ty này đã lỗ hơn 113 tỉ đồng năm 2011 và lỗ tiếp 57 tỉ đồng sau nửa năm 2012. SPT cũng không khá hơn. Năm 2011, công ty có lãi hơn 13 tỉ đồng chủ yếu từ lợi nhuận tài chính, sau nhiều năm lỗ liên tiếp. Sau thất bại ở mạng viễn thông S-Fone với Công ty Viễn thông SK Telecom của Hàn Quốc, SPT đang tính đường chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G. Chi phí cho việc này ước tính cả tỉ USD.

Như vậy, với những chiêu thức mới nhằm dùng các cổ phiếu giá trị ảo để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Phương Tây. Ngân hàng thì thành công trong việc tăng vốn để đối phó với yêu cầu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước, các công ty thì được tiếng và giữ giá của các cổ phiếu này trên thị trường, bởi phần lớn đã được giữ lại và không đưa ra lưu hành trên thị trường và có thể làm giá bất cứ lúc nào nếu muốn làm đẹp sổ sách.

Như vậy, thực chất việc tăng vốn chỉ là lấy “vốn ảo” của các công ty con chuyển vào ngân hàng và ngân hàng thực chất cũng chỉ được tăng “vốn ảo”, bởi khi có việc gì cần tiền mặt các ngân hàng bán cổ phiếu này ra thì chẳng có nhà đầu tư nào dám mua.

Không chỉ vậy, đối với những cổ động còn lại của Ngân hàng Phương Tây khi góp vốn thêm để tăng vốn điều lệ theo tỉ lệ tương ứng, thì khoản tiền thật này sẽ được các công ty con rút ra thông qua việc lấy cổ phiếu không có giá trị thật đổi ra tiền mặt.

Thực chất tập đoàn của ông Đặng Thành Tâm đang trong tình trang vỡ nợ, hoạt động không hiệu quả, nợ nần chồng chất, đầu tư dàn trải, nhưng để đánh bóng thương hiệu của mình, ông Tâm đã lợi dụng số cổ đông áp đảo tại Ngân hàng Phương Tây để hút vốn mua cổ phiếu của các công ty hoạt động thiếu hiệu quả của ông Tâm, gây rủi ro lớn cho Ngân hàng Phương Tây nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty ông Tâm đang bị làm giá làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam méo mó, phát triển thiếu ổn định và lành mạnh, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước .
Như báo CCB Việt Nam đã thông tin, vụ việc rút hơn 600 tỷ đồng của ông Đặng Thành Tâm đã có kết luận, đến nay đã đủ thời gian để các cơ quan chức năng vào cuộc, tiến hành xử lý. Rất mong sự chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ và Cơ quan tài chính cần thanh tra, kiểm tra toàn bộ ngân hàng và công ty có liên quan đến ông Tâm, để làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, nhằm hạn chế tổn thất kinh tế cho đất nước.

Minh Tuấn