Vi diệu của thơ ca

*“Nửa đêm, giờ Tý, canh ba/ Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi”
*
Thoạt nghe tôi nghĩ hai câu lục bát trên chỉ giễu sự dùng từ thừa, từ đồng nghĩa. Nghe lần thứ hai tôi chợt nhớ đã đọc về ý nghĩa khác của hai câu thơ này… Phải chăng thời khắc nửa đêm thật đặc biệt nên tác giả hai câu trên đã phải nhắc tới ba lần với ba từ đồng nghĩa khác nhau. Đó là thời khắc con người và vạn vật đã chìm sâu vào giấc ngủ. Không gian tĩnh lặng tuyệt không một tiếng rền rĩ của côn trùng, hay tiếng ếch nhái và tất nhiên các loài chim, các chú gà sống cũng ngủ hết.

Thời khắc đó chỉ có các vì sao là thức và các ngọn đèn đường là rực cháy. Con người đối diện với vũ trụ mênh mông vô tận. Mà con người cụ thể trong hai câu thơ này là ai? Trước hết đây là người vợ tất bật lo toan gánh vác giang sơn nhà chồng, thứ nữa là người con gái “liễu yếu đào tơ”, là người đàn bà “chân yếu, tay mềm” và cuối cùng chỉ là phận nữ nhi quẩn quanh trong bếp.

Tác giả dùng bốn từ có những sắc thái ý nghĩa khác nhau để chỉ cùng một đối tượng nhằm nhấn mạnh cái cô đơn, mỏng manh, yếu đuối của con người ở đây trong thời khắc nửa đêm. Con người hữu hạn, cô đơn trong trời đêm thăm thẳm. Vậy phải chăng hai câu thơ này nói lên thân phận con người. Giữa cái hữu hạn của con người và cái vô hạn của vũ trụ, một vấn đề mà văn chương, nghệ thuật đã nói rất nhiều.

Thơ ca vi diệu là vậy. Thơ ca làm được cái việc là với số từ ngữ ít nhất chứa đựng một thông điệp, một tư tưởng mà muốn truyền đạt nó các nhà văn phải xây dựng một bộ tiểu thuyết, chí ít là các truyện ngắn.

Một khi đã đi vào lòng người rồi thì thơ ca trở thành một bộ phận của con người, sống cùng con người trong suốt cuộc đời dài dằng dặc mà minh chứng thuyết phục nhất trong lịch sử văn học cận đại là những trang Kiều của thi hào Nguyễn Du.

Để kết thúc bài viết này xin mọi người thưởng thức bài thơ sau đây của nhà thơ Dương Khuê (1839-1901), ngắm cảnh hồ Tây diễm lệ, trên nền âm thanh đầy nhạc tính, trong không gian bảng lảng của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật:

“Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Phạm Đình Hòe