Vì đâu, Hồi giáo cực đoan?

Đối đầu với các giá trị
Sau khi Nhà tiên tri Mohammed qua đời, do ông này không để lại di chúc về người kế vị mình; các tranh cãi, mâu thuẫn về quyền thừa kế đã khiến Hồi giáo tách ra thành hai dòng lớn là Sunni và Shiite. Từ tranh chấp về người thừa kế đã dẫn đến sự khác biệt, xung đột về các quan điểm chính trị, giáo lý cũng như cách thực hiện các lễ nghi Hồi giáo. Ngày nay, sự phân hóa ngày càng sâu sắc và hệ quả là làm nảy sinh nhiều trào lưu Hồi giáo, trong đó có các trào lưu Hồi giáo cấp tiến, Hồi giáo cực đoan-chính là gốc rễ của các nhóm Hồi giáo khủng bố hiện nay, chống lại các nhóm Hồi giáo khác và chống lại cả Hoa Kỳ và phương Tây.
Phương Tây, mà đại diện là Hoa Kỳ chủ trương tách tôn giáo khỏi chính trị, trong khi phía Hồi giáo lại tuân thủ việc xây dựng nhà nước dựa trên Luật Hồi giáo Sharia, thế quyền không tách khỏi thần quyền. Năm 1948, LHQ thông qua Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, đề cao quyền con người theo tinh thần Ki-tô giáo. Tuy nhiên, người Hồi giáo cho rằng họ không thể tuân theo Tuyên ngôn trên vì nó vi phạm Luật Sharia và Kinh Koran. Ngoài ra, phương Tây còn liên tục quảng bá các giá trị của mình vốn đi ngược các giá trị Hồi giáo. Thêm vào đó, Hoa Kỳ và đồng minh đã tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược khiến nhiều người Hồi giáo thiệt mạng và rơi vào cảnh bần cùng; tiến hành các hoạt động lật đổ nhằm xây dựng các thể chế Hồi giáo dân chủ theo kiểu phương Tây; kích động mâu thuẫn, thực hiện “chia để trị” dẫn đến cuộc chiến phe phái giữa hai cộng đồng người Hồi giáo. Những yếu tố này đã kích động tinh thần chống đối và hận thù trong những người Hồi giáo theo quan điểm cực đoan và làm nảy sinh các nhóm Hồi giáo hoạt động khủng bố chống lại Hoa Kỳ, phương Tây và cả các nhà nước Hồi giáo thân phương Tây. Đánh trả Hoa Kỳ, chống Hoa Kỳ được họ xem là nghĩa vụ thiêng liêng, vì Kinh Koran đã dạy họ: “Hãy đánh trả những kẻ đã đánh các ngươi trước”.

Hòi giáo thánh chiến “bảo vệ công lý”
Đối với tín đồ Hồi giáo, Kinh Koran chính là “Luật của con người” nhưng cũng là “Luật của Thượng đế”, bao trùm lên mọi mặt của đời sống, thể hiện nguyện vọng của người Hồi giáo về công lý và trật tự trong xã hội Hồi giáo truyền thống. Chính vì vậy, thực thi công lý xã hội theo tinh thần Kinh Koran và Luật Sharia là nghĩa vụ thiêng liêng mà các tín đồ chân chính phải thực hiện. Tuy nhiên, do việc tư duy và hành động khác nhau đã làm nảy sinh các nhóm Hồi giáo khác nhau, trong đó có các nhóm Hồi giáo cực đoan. Các nhóm này thường nhân danh “bảo vệ công lý” của Hồi giáo để thực hiện các hành động khủng bố.
Hồi giáo cực đoan cho rằng: các thế lực bên ngoài Hồi giáo đã làm sai lệch và ố bẩn tôn giáo của họ, do vậy phải làm mọi việc để quay trở lại hoặc cải giáo để trở về với Hồi giáo ban đầu. Và Thánh chiến (Jihad) được lựa chọn để đạt mục đích này, để bảo vệ người Hồi giáo và lãnh thổ Hồi giáo, chống lại cả người Hồi giáo và đặc biệt là người phương Tây. Hiện đang tồn tại 3 hình thức Thánh chiến: Thánh chiến nội bộ, chiến đấu chống lại các chế độ Hồi giáo bị cho là nghịch đạo, cần lật đổ; Thánh chiến phục hồi lãnh thổ, mục tiêu là lấy lại các vùng đất được coi là thuộc Hồi giáo nhưng bị các thế lực tôn giáo khác chiếm đóng, tiêu biểu là các nhóm Hamas, Taliban và IS; Thánh chiến toàn cầu, chiến đấu chống lại các thế lực làm hoen ố, sai lệch Hồi giáo nguyên gốc ban đầu, tiên phong trong hình thức này là al-Qaeda.
Các chiến binh Hồi giáo cực đoan tin rằng họ sẽ được ban thưởng nếu giết những kẻ không tin vào Thánh Allah hay làm ố bẩn Hồi giáo. Đây chính là nguyên nhân thôi thúc các phần tử Hồi giáo cực đoan “thực thi công lý” bằng cách giết người. Để đày những kẻ “tội lỗi” xuống địa ngục, chúng thường lạm dụng phụ nữ và tiến hành hành quyết man rợ đối với những người còn lại một khi những người này bị chúng bắt. Như vậy, chính niềm tin tôn giáo và quan điểm cực đoan về con người đã tha hóa các chiến binh Hồi giáo cực đoan từ những tín đồ bình thường thành những kẻ giết người không ghê tay.
Có thể nói, nguyên nhân cơ bản làm xuất hiện các nhóm Hồi giáo cực đoan là mâu thuẫn nội tại của Hồi giáo và mâu thuẫn giá trị giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo. Ngoài ra, đó là sự can thiệp đầy toan tính nhằm những mục đích ích kỷ từ bên ngoài vào khu vực Trung Đông vốn đã đầy rẫy những mâu thuẫn và bất ổn. Chính vì vậy, sự xuất hiện các nhóm Hồi giáo cực đoan dường như không bao giờ kết thúc, nhóm này tàn lụi nhóm khác sẽ ra đời, một khi những yếu tố thúc đẩy tiến trình này chưa bị xóa bỏ.
Nguyễn Đăng Song