Vị đắng cải ngồng (18/10/2012)

Với 15 truyện ngắn và một tâm hồn rất nữ tính, tác giả đã đem đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố thông qua các nhân vật của mình. Tác giả đẩy họ đến cùng cực của mâu thuẫn rồi dừng lại đúng nốt cần dừng và gỡ nối rất dịu dàng, tự nhiên như cuộc sống cần phải có. Đó là cái tài của Nguyễn Thị Tuyết.

Mượn hình ảnh “Cây cải đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả kể về thân phận một cô gái làm nghề quét rác rất yêu văn chương và luôn muốn làm đẹp cho đời bằng sức lao động của mình. Cải - nhân vật chính trong Cải đắng hoa vàng có cuộc sống vợ chồng đầy mâu thuẫn. Chồng Cải coi thường công việc của vợ, chạy theo sự hào nhoáng xa xỉ, cuối cùng đã đánh mất những gì quý giá nhất của cuộc đời mình. Đứa con trai bé bỏng, uống nhầm phải lọ thuốc chuột do sự vô ý thức của chồng Cải và những người xung quanh. Khi họ nhận ra bài học này thì đã quá muộn; cậu bé - đứa con là sợi dây nối cuộc sống vợ chồng của Cải không còn nữa. Cải chia tay chồng. Và một cuộc sống mới tốt đẹp hơn đã đến với Cải nhưng nỗi đau thì dường như vẫn còn đó, khắc khoải, day dứt và là động lực khiến Cải sống tốt hơn, lao động hết mình hơn.

Mẹ nuôi, một truyện ngắn về chiến tranh, ca ngợi lòng quả cảm, sức chịu đựng phi thường của người phụ nữ. Hương là cô bé năng động, con gái của một đại tá công an, nên là tâm điểm lấy lòng, lấy quan hệ của một số người. Cô hồn nhiên nhận họ làm bố mẹ nuôi khiến bố cô cảm thấy không ổn. Và câu chuyện về người mẹ nuôi của bố Hương đã khiến không chỉ nhân vật Hương cảm thấy xúc động mà bạn đọc cũng thấy bất ngờ và tự hào. Đó là một phụ nữ rất đỗi bình thường với một đứa con gái sơ sinh đỏ hỏn, đã vì bảo vệ cho con một đồng đội mà nhìn kẻ thù đốt cháy kho bếp, nơi đang giấu đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Không có gì đau bằng nỗi đau của một người mẹ khi chứng kiến cảnh đứa con thân yêu của mình bị chết, mà bị kẻ thù đốt cháy. Nhưng vượt qua nỗi đau mất chồng, mất con, bà đã nuôi dạy con của đồng đội khôn lớn, trưởng thành và vẫn hoàn thành công việc của một công an viên hoạt động nội thành. Nhẹ nhàng, không cầu kỳ trong sử dụng ngôn ngữ, câu chuyện của Nguyễn Thị Tuyết không mới nhưng để lại nhiều ấn tượng đẹp trong bạn đọc.

Vì là một cây bút nữ, tác giả đã thể hiện rất tinh tế tâm trạng, cảm xúc của người phụ nữ trước những hoàn cảnh éo le. Đến với “Vị đắng cải ngồng” – truyện ngắn được lấy làm tiêu đề của cuốn sách, mang lại đúng vị đắng – cái đắng không gay gắt nhưng nhần nhận ở trong vị giác. Nó ám ảnh và làm người ta không thể nào quên. Những thân phận phụ nữ cô đơn, ám ảnh. “Tôi rời ngôi nhà họ, lòng đau đớn, xót xa và ngơ ngác. Tôi lặng lẽ cúi đầu trước ánh mắt run rẩy của em đang nhìn tôi khẩn khoản, tha thiết. Tôi thương em lắm! Nhưng tôi làm sao có thể cưới em để làm con rể Xoan? Không, tôi không thể. Thế là thêm một lần nữa em lại lỡ duyên. Tôi đành ngoảnh mặt ra đi, bỏ lại ngôi nhà có người đàn bà ốm o với những cô gái đang về già mà chưa hề có tuổi xuân. Chao ôi, mùi cải ngồng thơm thơm nhưng oái oăm thay, tôi không chê già, chê đắng mà cũng không ăn được”.

Cứ như vậy, Nguyễn Thị Tuyết nhẹ nhàng kể những câu chuyện về những thân phận phụ nữ với bạn đọc. Với 15 truyện ngắn, cách viết dịu dàng, sử dụng ngôn từ chọn lọc, đẩy tình huống nhân vật đến mâu thuẫn vừa đủ và gỡ nút thắt câu chuyện khá uyển chuyển, khiến cho tất cả các truyện ngắn trong tập sách đều có sức nặng với người đọc. Những truyện ngắn về thân phận và hoàn cảnh phụ nữ éo le nhưng đầy tính nhân văn đã mang lại một món ăn tinh thần khá hấp dẫn cho bạn đọc. Và quả thật, trong “vị đắng” ta vẫn cảm nhận được sự ngọt ngào và tình yêu thương…

Nguyễn Minh Thủy