Về lại “Ông Hào”
Đầu tháng 6-1965, theo lệnh tướng Đặng Văn Quang, quân ngụy Sài Gòn tập trung lực lượng lớn càn quét vào hai huyện Ô Môn và Châu Thành tìm diệt tiểu đoàn Tây Đô-hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Để đối phó, ta bí mật đưa lực lượng về khu vực Áng Khám-Ông Hào xây dựng trận địa phòng ngự, bố trí lực lượng chuẩn bị chống càn. Ngày 8-6-1965 trận chiến bắt đầu. Tiểu đoàn 44 biệt động ngụy chạm trán đội hình của Trung đội nữ địa phương quân Ô Môn. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Dù nhiều chị bị thương, hy sinh, nhưng đơn vị đã kiên cường đánh địch bật ra khỏi công sự. Địch tung lực lượng đông hơn ta gấp 20 lần với sự yểm trợ của máy bay trực thăng cùng đạn pháo của địch từ Cái Tắc, Cái Răng tập trung đánh vào khu vực Áng Khám. Sau hơn 10 đợt tấn công đều thất bại và bị thương vong khá nhiều, địch rút lui. Nhận được tin, tướng Đặng Văn Quang ra lệnh “tung” tiểu đoàn “Cọp đen” tinh nhuệ, có chiến thuật đánh công sự giỏi đổ bộ bằng đường hàng không cùng với máy bay phản lực ném bom dữ dội vào đội hình ta. Được tin, ta tổ chức phục kích địch, đồng chí Huỳnh Văn Tèo đã dùng súng trường Garan Mỹ bắn rơi 1 máy bay phản lực B.57. Điên cuồng, Mỹ hạ lệnh cho 3 máy bay ném bom hủy diệt nhà thờ Ông Hào khiến gần 200 giáo dân, đa số là người già, trẻ em, nữ tu bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Biến đau thương thành sức mạnh căm thù, sau 10 phút chiến đấu ác liệt, Đại đội 23 đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn “Cọp đen” ác ôn. Trong trận này, ta đã tiêu diệt 674 tên địch, bắt 50 tên, bắn rơi 1 máy bay B.57, thu 3 khẩu đại liên, 9 trung liên, trên 200 súng các loại…
Chú Lê Văn Thê-người dân gắn bó đất này hơn 70 năm nhớ lại: “...Ngày đó chiến tranh ác liệt, địch đông, hỏa lực mạnh, vậy mà bị ta đánh tan tác không còn manh giáp, tháo chạy “có cờ”. Bà con lúc đó phấn khởi quá trời…”.
Chúng tôi đếp thắp nhang tưởng nhớ 200 nạn nhân trong cuộc thảm sát xưa với tâm trạng bùi ngùi khôn tả. Chiến tranh ác liệt quá, tàn khốc quá. Lòng chợt ấm lại khi bắt gặp một màu xanh thẫm bởi vườn cây trái sum xuê trĩu quả. Đây dâu Hạ Châu; cam sành, bưởi Năm roi. Kia những cánh đồng vàng oằn sai bông lúa vàng chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Đó những nương rẫy trồng màu đang đơm bông kết trái. Ông Hào nay đường sá thật khang trang, rộng, đẹp. Điện, đường, trường, trạm đã hoàn thiện. Nhà mới đua nhau mọc lên như nấm.
Qua tiếp xúc với cán bộ và người dân địa phương được biết nhiều CCB ở đây rất hăng hái, tiên phong trong làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Anh Đồng Việt Hùng cho biết thêm: “…Người dân Ông Hào nay đang lo việc làm giàu, giữ vững danh hiệu xã văn hóa, xã nông thôn mới, xã Anh hùng LLVTND…”.
Ngày 21-12-2012, Khu di tích lịch sử chiến trận Ông Hào khánh thành trên diện tích hơn 25.000m2, gồm 8 gói thầu với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng, trong đó có 3 hạng mục lớn là: Khu trưng bày hiện vật, khu tưởng niệm và tượng đài phù điêu cao 12,7m. Đây là công trình văn hóa lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân Cần Thơ trên mảnh đất Tây Đô Anh hùng, khu di tích này không chỉ mang lại giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân mà còn có giá trị giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau và là một trong những điểm đến trên tuyến du lịch sinh thái của huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Phan Thị Anh Thư