Về Ðiều 4 và các Ðiều 22, 23 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (01/03/2013)

Về nội dung Dự thảo Ðiều 4 gồm 3 khoản:

1 - "Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2 - Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3 - Các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Ba khoản nói trên của Ðiều 4 đã thể hiện được một số nội dung sau:

Khoản 1: xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội. Ðảng là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, Ðảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam để lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Khoản 2: thể hiện mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân như "cá với nước", mối quan hệ "máu thịt" không thể tách rời.

Khoản 3: thể hiện phạm vi hoạt động của Ðảng nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Ðây là những nội dung thiết yếu nói lên tính ưu việt của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Từ các nội dung thể hiện trong ba khoản của Ðiều 4

Dự thảo, tôi cho rằng, Ủy ban Dự thảo đã nêu được những quy định then chốt về vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội, nhưng chưa đủ, vì Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ có duy nhất một Ðảng lãnh đạo, đó là Ðảng Cộng sản Việt Nam. Khi Bác Hồ còn sống, Bác thường nói với cán bộ, đảng viên: "Ðảng ta là Ðảng cầm quyền", vậy ý này rất cần được nêu trong Ðiều 4. Tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo bổ sung thêm khoản 4 trong Ðiều 4 của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Có như vậy mới thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí, trách nhiệm và cũng thể hiện tính đặc thù của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với việc lãnh đạo Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khác hẳn với các đảng của nhà nước khác trên thế giới hiện nay.

  • Ngoài ra tôi tham gia về câu, chữ trong khoản 1 của Dự thảo tại Ðiều 22, 23 như sau:

Hiện nay, trong nhiều tài liệu, văn bản còn mượn từ Hán khá nhiều. Theo tôi, trong Hiến pháp và các bộ luật, Ban soạn thảo cố gắng hạn chế mượn từ nước ngoài. Trong Dự thảo này tôi đề nghị chỉnh sửa câu chữ của các Ðiều 22, 23 như sau:

  • Khoản 1 Ðiều 22 của dự thảo:

"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm". Tôi đề nghị sửa câu, chữ khoản 1 Ðiều 22 như sau: "1- Không ai có quyền xâm phạm về thể xác con người được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm". Như vậy, từ "Bất khả" và từ "Bảo hộ" được thay thế cụm từ tiếng Việt cho dễ hiểu. Cũng tương tự, sửa khoản 1 Ðiều 23 như sau: "1- Không ai có quyền xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình...".

Luật gia TRẦN KHÁNH GIAO (Số 619 Ðại lộ Lê Thanh Nghị, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương)

Theo NDĐT

(TH)