Về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (22/02/2013)
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới được công bố đã kế thừa những giá trị khoa học về nội dung trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; thể chế hóa kịp thời Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.
Ðối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành một chương (Chương IV) để hiến định. Chương IV gồm 5 Ðiều (từ Ðiều 69 đến Ðiều 73); trong đó, có 4 Ðiều đã sửa đổi, bổ sung và một Ðiều (Ðiều 73) được giữ nguyên từ Ðiều 48 của Hiến pháp năm 1992. Chỉ với 5 Ðiều, Chương IV của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được bố cục chặt chẽ, gọn, rõ; thể hiện cô đọng, chính xác, đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi nhất về bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp là đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia; có sự ổn định và thực thi trong thời gian tương đối dài nên thể hiện với mức độ, dung lượng như vậy là phù hợp, làm cơ sở để hiến định cho việc triển khai thực hiện. Những năm qua, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước đã thể chế những quy định của Hiến pháp thành các luật, như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi năm 2009), Luật Biên giới quốc gia... và các văn bản dưới luật. Những văn bản quy phạm pháp luật đó đã phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương IV của Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) là hợp lý. Tại Ðiều 69, ngoài việc chỉnh sửa về kỹ thuật làm cho nội dung gọn và rõ hơn, còn có sự bổ sung rất quan trọng, đó là: "... góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới". Bổ sung như vậy là hoàn toàn đúng, nhất quán với Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, tư tưởng của Ðảng về bảo vệ Tổ quốc; phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta còn có ý nghĩa "góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới"; đồng thời, khẳng định trách nhiệm quốc tế của Nhà nước ta. Với ý nghĩa tương tự, Dự thảo bổ sung cụm từ "... và thực hiện nghĩa vụ quốc tế" tại Ðiều 70 khi nói về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là đúng đắn. Cũng trong Ðiều 70, còn có hai điểm bổ sung; một là, "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Ðảng Cộng sản Việt Nam"; hai là, "... bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân...". Sự bổ sung này là rất cần thiết, bảo đảm chặt chẽ, chính xác. Bởi, thực tiễn đã chứng tỏ, sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; do đó, lực lượng vũ trang nhân dân trước hết phải tuyệt đối trung thành với Ðảng và bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân. Sự bổ sung này còn góp phần phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch hòng "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang nhân dân.
Tại Ðiều 71 và 72, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân (theo chức năng), mà trong Hiến pháp năm 1992 chưa nêu. Cụ thể là, Quân đội nhân dân, lực lượng Dự bị động viên và Dân quân tự vệ làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Công an nhân dân làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia... Việc điều chỉnh vị trí cụm từ "cách mạng" lên trước cụm từ "xây dựng", với nội dung hoàn chỉnh là: "Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại..." và tương tự như vậy đối với Công an nhân dân tại Ðiều 72 cũng là cần thiết. Bởi lẽ, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ngay từ khi thành lập và trong suốt quá trình trưởng thành, phát triển đến nay đã và luôn mang bản chất cách mạng.
Bên cạnh Chương IV, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi còn có Ðiều 11 và Ðiều 48 cũng có nội dung gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ðiều 11 giữ nguyên nội dung Ðiều 13 của Hiến pháp năm 1992 "Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm"; đồng thời, nhấn mạnh "Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật". Ðiều 48 trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi khẳng định "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định". Về cơ bản, Ðiều 48 được xây dựng trên Ðiều 77 của Hiến pháp năm 1992, nhưng có bổ sung nhiệm vụ thay thế để làm rõ nghĩa vụ công dân cho phù hợp với điều kiện thời bình.
Những nội dung cần điều chỉnh: tại Ðiều 71 và 72 có hai điểm cần nghiên cứu thêm. Thứ nhất, tại Ðiều 72 nên thay cụm từ "sự nghiệp" bằng cụm từ "nhiệm vụ", hoặc nếu giữ nguyên thì thay cụm từ "nhiệm vụ" bằng cụm từ "sự nghiệp" ở Ðiều 71 để bảo đảm sự thống nhất giữa hai điều, mà cụ thể ở đây là thống nhất về vai trò, vị trí theo chức năng giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Thứ hai, cần điều chỉnh bố cục và phương pháp thể hiện nội dung của Ðiều 71 sao cho chính xác và rõ hơn. Vì thể hiện nội dung như vậy sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm là lực lượng Dự bị động viên nằm ngoài Quân đội nhân dân. Thực chất, lực lượng Dự bị động viên là "quân gửi trong dân", cùng với lực lượng thường trực hợp thành Quân đội nhân dân; nói cách khác, nó là một trong hai thành phần của Quân đội nhân dân.
Tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Ðiều 69 cụm từ: "kết hợp sức mạnh quốc tế" trước cụm từ "để bảo vệ vững chắc Tổ quốc". Bởi, nếu chỉ xác định như Dự thảo: "Nhà nước...; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc..." thì chưa đủ. Ðúng là sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh nội lực của quốc gia, của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ðảng là cơ bản, chủ yếu, quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhưng như vậy chưa đủ, mà cần phải kết hợp "nội lực" với ngoại lực. Ðặc biệt trong bối cảnh hội nhập và liên kết quốc tế diễn ra ngày càng sâu, rộng; nhiều vấn đề quốc phòng - an ninh đặt ra đối với từng quốc gia, khu vực đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều nước. Cùng với sức mạnh trong nước, tranh thủ và kết hợp với sức mạnh quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia. Ðối với nước ta, việc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, không những góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, mà còn có ý nghĩa tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, tạo đồng thuận, giảm đối đầu, bảo vệ Tổ quốc từ xa, vững chắc.
MỘT vấn đề nữa tôi đề nghị bổ sung vào cuối Ðiều 71 của Dự thảo cụm từ: "... và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc". Bởi lẽ, không chỉ làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, tức là trong thời bình, mà Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ còn làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Ðiều bổ sung này còn đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu là bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp. Mặc dù, theo dự báo trong những thập kỷ tới, chiến tranh xâm lược (khác với xung đột) khó xảy ra đối với nước ta, nhưng trong tương lai thì nguy cơ đó không thể loại trừ. Không nên để đến khi đó ta mới bổ sung vào Hiến pháp, mà nên làm ngay từ bây giờ, để tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện khi đất nước bị xâm lược và nhân dân ta buộc phải tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG
Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Thường vụ Q.UT.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng
Theo ND ĐT
(TH)