Vật cổ truyền - Nét đẹp văn hóa cần lưu giữ (29/03/2012)

Tùy vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, tập quán sinh hoạt, độ tuổi, trình độ văn hóa, sở thích… thời nay không khó để mỗi cá nhân tự lựa chọn một môn thể thao phù hợp để luyện tập. Phong trào luyện tập thể dục thể thao mở rộng đến các đối tượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính chuyên nghiệp cao cũng có thể là một tiêu chí tin cậy để đánh giá mức độ phát triển và trình độ văn minh của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển các môn thể dục thể thao mới được du nhập thì Nhà nước, các tổ chức xã hội cũng nên chú ý củng cố đầu tư nguồn lực, vật lực để phát triển các môn thể thao truyền thống, trong đó vật cổ truyền là một ví dụ điển hình. **Vật rất hào hứng, nhưng chỉ được ban tổ chức gọi là "Trò chơi" ** Thời xa xưa, vật rất được nhân dân ưa chuộng và gắn chặt với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Có nhiều anh hùng nổi tiếng dân gian với các giai thoại hiển hách còn lưu truyền trong lịch sử, như: Lý Ông Trọng (Lý Than) được thờ ở Chèm (ngoại ô Hà Nội); Đô Lỗ (Cao Lỗ), Đô Nồi (Nồi Hầu), giúp vua Thục dựng nước, nay thờ ở Cổ Loa; Đô Chinh (Nguyễn Tam Chinh) giúp Hai Bà Trưng đánh quân Hán được tôn làm Thành Hoàng Làng Mai Động và được xưng là ông tổ lò vật Mai Động; Lý Bôn (Lý Nam Đế); Triệu Quang Phục; Phùng Hưng; Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế)… đều là những người nổi tiếng về vật. Riêng Phùng Hưng vật quật chết cọp dữ được nhân dân phong là Đô Quân (vua của các đô vật), Phùng Hải (em trai của Phùng Hưng) vật giỏi không kém anh và được phong là Đô Bảo (tướng của các đô vật trong thiên hạ). Dưới chế độ phong kiến, ở từng thời điểm khác nhau, các vua, chúa nước ta đã từng sử dụng đấu vật là cơ sở để chọn người tài, phò vua giúp nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Có thể nói vật cổ truyền còn là một nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đất nước thuần nông cần phải bảo tồn, phát huy, nhân rộng trong công chúng và trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, chứ không nên chỉ tồn tại dưới dạng thi đấu ở các lễ hội như những trò chơi dân gian khác hoặc thi đấu chuyên nghiệp tập trung ở số ít hạt nhân. **Nghi thức "Xe đài" ** Từ xa xưa đấu vật rất được nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ ưa chuộng, đó là môn thi đấu mà bất cứ ai cũng có thể tham gia (không kể tuổi và cân nặng). Khi thi đấu không dùng bất cứ thứ vũ khí nào ngoài sự nhanh nhẹn và linh hoạt của cơ thể, đó là nét đẹp văn hóa thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, khéo léo, tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm và ý chí quyết thắng. Nét văn hóa độc đáo của môn vật cổ truyền chính là ở nghi lễ trước khi thi đấu và các miếng đánh của các đô vật. Trước khi vào thi đấu các đô vật phải cởi bỏ trang phục, để trần, chít khăn đầu dìu hay chít khăn bỏ tua, đóng khố và thắt đai màu xanh, đỏ, vàng… ở hông. Sau phần thủ tục, các đô vật thực hiện các nghi thức có tình đặc trưng riêng của mỗi lò vật, như Múa Hoa, Xe Đài… hay còn gọi là Ra Giàng, Múa Hạc… Vờn nhau Sau phần nghi thức, các đô vật lao vào thi đấu. Điều kiện để thắng tuyệt đối là phải đưa đối phương vào một trong hai tình thế: một là “Lấm lưng trắng bụng” (lưng, vai phải chạm mặt đất); hai là “Túc ly địa” (hai chân phải rời khỏi mặt đất). Nếu không thắng tuyệt đối thì phải nhờ đến trọng tài tính điểm, đô nào có nhiều miếng đánh đẹp, hiểm, gây khó khăn cho đối phương thì được điểm cao hơn và sẽ thắng.Các đô vật không chỉ cần có sức, có lực để thắng được đối phương mà còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đánh, các miếng đánh, có mánh lới, cộng với sự nhanh nhẹn, chính xác. Các miếng đánh trong vật cổ truyền là một nét đẹp khiến bao người ngỡ ngàng, mê đắm. Trong vật có nhiều thế, nhiều miếng, có những miếng đánh trong lúc giằng co, có miếng đánh trong tư thế nằm bò… tiêu biểu như các miếng kê, ngáng (hay cản), đệm, vét, bắt đế, hớt gót; bốc một chân ở tư thế bất ngờ (hay giằng co), bốc hai chân; sườn tay trong hay sườn tay ngoài; đánh gẫy; tay quai, nằm bò; gồng đứng, gồng quỳ, gồng ngồi… Hiện nay, vật cổ truyền đã được nhiều địa phương khôi phục và có bước phát triển mới, điển hình là các lễ hội ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa… song cũng chỉ tồn tại dưới dạng câu lạc bộ nhỏ dành cho những người yêu thích. Phong trào vật còn mang nặng tính giải trí, phát triển còn mang tính tự phát, chưa được các cơ quan chức năng và Nhà nước đầu tư xứng tầm, chưa ăn sâu rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Hơn nữa số lượng người tham gia còn ít, chất lượng chuyên môn chưa cao. Điều đó cho thấy phong trào luyện tập môn vật cổ truyền của chúng ta đang có xu hướng bị mai một, bị các môn thể thao khác lấn át. Vật cổ truyền có đặc điểm là không cầu kỳ về đối tượng và không tốn kinh phí nhưng lại mang nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết thắng. Càng những người trẻ tuổi cách dễ dàng tập hợp nhau để luyện tập. Thiết nghĩ Nhà nước và các tổ chức xã hội nên có giải pháp hữu hiệu, tập trung tuyên truyền, đầu tư để môn vật cổ truyền được đông đảo các đối tượng, nhất là các bạn trẻ thanh niên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp khác trong xã hội hưởng ứng luyện tập. Phương Uyên (TH)