Ngay sau ngày Quốc dân đại hội ở Tân Trào bế mạc (16-8-1945), tôi và anh Cao Hồng Lĩnh được phái vào Nam nắm tình hình và cổ vũ các nơi Tổng khởi nghĩa. Năm ấy, nước sông to lắm, thuyền chúng tôi vừa đi vừa cứu được một số đồng bào bị nước cuốn. Về đến gần Bắc Ninh, thuyền cứ ngang cánh đồng ngập nước mà đi. Tới Yên Viên, nhìn lên đường cái thấy một chiếc xe hơi cắm lá cờ đỏ sao vàng rất to, bắc loa phóng thanh phát đi bài hát “Diệt phát xít”, rồi bài “Bao chiến sĩ anh hùng” và giữa hai bài hát là: “A-lô, a-lô! Lực lượng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo từ bốn giờ chiều hôm nay đã làm chủ Hà Nội. Chính quyền Thủ đô đã hoàn toàn về tay ta”?...
Chúng tôi lên ngay chiếc xe tuyên truyền ấy vào Hà Nội. Cờ và biểu ngữ đỏ hoa cả mắt. Xe hơi đưa chúng tôi liên lạc chỗ này, chỗ khác, rồi một lúc sau đến Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, gặp anh Nguyễn Khang. Từ sáng, anh em ở đây làm việc chưa kịp ăn uống gì cả. Buổi sáng, mít tinh tuần hành, mười lăm vạn người tham gia, chiếm Bắc Bộ phủ, chiếm tòa Thị chính; rồi từ một giờ đến bốn giờ chiều, cả Hà Nội vây lấy trại Bảo an binh, đấu tranh cho đến khi xe tăng và lính Nhật chắn các đầu phố phải rút. Anh Khang bàn với chúng tôi một số công việc đang cần giải quyết, cho biết quyết định UBND Cách mạng Hà Nội và UBND Cách mạng Bắc Bộ sẽ ra mắt ngay ngày mai.
Nhân có chiếc xe hơi của chị Thập và một anh cán bộ Hòa Hảo cứu quốc thuê ra Bắc công tác, lại trở về Nam, tôi và anh Cao Hồng Lĩnh cũng lên xe đi thẳng. Lúc ấy mới bảy giờ tối. Xe ra khỏi Hà Nội là mở hết tốc lực phóng như bay trên đường số 1, vun vút qua Bằng, Lịm, Đồng Văn, Phủ Lý, đâu cũng đã nổi cờ. Nhiều làng bên đường đuốc sáng rực. Ở Đặng Xá, tự vệ chiến đấu đi lại rầm rập. Mới gần chín giờ đã tới Nam Định. Đầu tỉnh, xe bị ách lại. Một nữ tự vệ đeo kiếm ra hỏi giấy, tôi trình giấy tờ. Một anh ở trụ sở gần đấy đưa chúng tôi đến tòa sứ cũ. Anh Văn Tiến Dũng ra đón, ngay câu đầu tiên đã cho biết: “Ở đây xong rồi”…
Nghỉ một lát, chúng tôi lại tiếp tục đi ngay. Ra khỏi tỉnh đến mười cây số, xe mới mở hết số được: quần chúng từng toán vác cờ đi và hô khẩu hiệu vang trên đường. Vách núi chùa Non Nước đã kẻ một hàng chữ trắng "Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm" to tướng. Ghềnh, Bỉm Sơn, Lèn tự vệ đều hỏi giấy.

  • Ta cả thôi mà.
  • Mời các đồng chí đi.
    Đến Thanh Hóa, đêm đã khuya, thị xã đã ngủ hết, trên phố lớn, nhiều đám anh em thanh niên vẫn còn hì hục chăng biểu ngữ qua đường. Anh Lê Tất Đắc tiếp chúng tôi cũng ở tòa Xứ cũ. Rửa mặt mũi xong xuôi, nói chuyện tình hình một lúc thì trời đã tờ mờ sáng. Chúng tôi rời Thanh, đến Vinh, 9 giờ. Anh Nguyễn Tạo ra gặp:
  • Bọn Nhật ở đây chúng tôi làm gọn lắm. Anh em cử ông Lê Viết Lượng làm Chủ tịch rồi.
    Xe lại vút qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rồi Huế. Anh Nguyễn Chí Thanh, anh Lành (tức anh Tố Hữu) cho biết:
  • Nhà Vua nó xin hàng rồi, chỉ chờ Chính phủ Trung ương vào nhận ấn với kiếm cho nó thôi.
    Tới Đà Nẵng, anh Lê Văn Hiến, anh Lê Dung được Huế báo dây nói, đã chờ sẵn chúng tôi. Một kỳ thú trong chuyến đi của chúng tôi là đến mỗi chặng đường đều được gặp biết bao nhiêu anh em đồng chí. Anh Cao Hồng Lĩnh đến Đà Nẵng thì được tin quê nhà Hội An cũng đã lập xong chính quyền nhân dân. Anh em địa phương mời anh về dự mít tinh với bà con quê cũ, song nhớ lời Bác dặn lúc ra đi: “Tranh thủ gấp rút vào Nam, không được phép kéo dài một buổi”, nên ngay đêm đó, anh từ biệt các đồng chí tỉnh nhà, cùng chúng tôi lên đường. Trong hành lý đơn giản của anh, có một vật kỷ niệm rất quý: bộ quần áo xanh của anh Lê Hồng Phong mặc ngày còn ở Trung Quốc mà một đồng chí công nhân ở Nam Ninh đã giao lại cho anh. Qua Quảng Nam, chúng tôi gặp từng đoàn lính Nhật lũ lượt ngựa nghẽo, súng lớn, súng nhỏ, kéo nhau đến các địa điểm tập trung. Quan cũng như lính, mặt mày ủ rũ, rõ là một đoàn quân bại chiến. Đến Quảng Ngãi, không khí ở đây càng hừng hực khí thế đấu tranh, biểu tình tuần hành vũ trang rầm rập. Chị em tự vệ cắt tóc ngắn kề mác vào bánh xe hơi chúng tôi, hô: “Đứng lại?”, chúng tôi đưa giấy ra, các chị còn chưa nghe. Tôi phải xuống thuyết phục mãi, các chị đưa đi gặp đồng chí phụ trách. Anh Trần Quý Hai vừa đi họp ở Tân Trào đã băng về đến tận đây từ lúc nào rồi. Anh Hai đưa chúng tôi về nhà Boong-ga-lô, bổ dừa cho uống rồi nói chuyện một lát, chúng tôi lại từ biệt, xe hơi cứ nhằm hướng Nam phóng mãi. Rồi xe chúng tôi lại rong ruổi trên con đường thẳng tắp, đẹp vô cùng của miền Nam Trung Bộ; con đường có núi, có biển và có ánh nắng trong vắt. Ở đây cũng như ở tất cả các chặng đường chúng tôi đã đi qua, cờ sao đã dậy san sát cả hai bên đường, dòng nước lũ của những đoàn biểu tình quần chúng, vừa đi vừa giơ nắm tay hô khẩu hiệu, không lúc nào ngớt. Làn sóng người đổ ra đường Thiên Lý, tay cầm giáo, mác, dao, búa, gậy tre, tay thước; nét mặt người nào người ấy lồng lộng một hào khí ngất trời. Chúng tôi đi không nắm chắc được tình hình của đoạn đường trước mặt, vậy mà cả cuộc hành trình mạo hiểm lại là hết mừng này, đến mừng khác, vui bất tận. Trên cả một giải non sông dài dằng dặc, ở đâu cũng là một sức trỗi dậy mau lẹ, phi thường. Chúng tôi đến đâu là ở đấy cũng đã giành được chính quyền, đi đến đâu cũng là thấy cờ ta bay đằng trước mặt. Tiếng hô khẩu hiệu âm vang bên tai, bằng mọi giọng đường ngoài, đường trong mà cùng một dũng khí. Dường như có cả một luồng điện cực kỳ mạnh, đã truyền đi, làm cả nước cùng dấy lên, cùng chuyển động. Luồng điện tháng Tám ấy là sức quật khởi sẵn có của một dân tộc anh hùng, những truyền thống cách mạng tốt tươi mà từ năm 1930 Đảng ta đã ra sức phát huy, ra sức bồi dưỡng...
    Vừa đúng một tuần sau khi rời Hà Nội, chúng tôi vào đến Biên Hòa, địa đầu Nam Bộ. Đêm đã khuya, trạm gác giữa rừng giữ chúng tôi lại, gọi dây nói thỉnh thị Sài Gòn. Chúng tôi nói trực tiếp. Đầu dây đằng kia là anh Nguyễn Văn Nguyễn, giọng mừng rơn:
  • Chúng bay vào ngay. Đang cần lắm. Đêm nay vào ngay đi nhớ.
    Chúng tôi lại lên xe. Xe chúng tôi đi trước. Xe sau là xe anh em tự vệ địa phương áp giải một bọn Pháp mới nhảy dù xuống rừng Biên Hòa, bị anh em ta tóm cổ không sót một tên và đem về nhốt ở khám lớn Chí Hòa. Trong ánh đèn sáng rực của thành phố, màu đỏ của cờ càng lộng lẫy. Nguyễn gặp chúng tôi:
  • Xong từ hôm qua rồi.
    Anh đưa chúng tôi về ngủ ở Nam Bộ phủ, tức là dinh Thống đốc cũ. Mới chợp mắt một lúc, Nguyễn đã đập cửa dựng dậy:
  • Đại biểu các giới, các đảng phái hay tin đại diện Tổng bộ vào, đang nhao nhao đòi gặp.
    Tôi họp với Xứ ủy xong thì đi gặp hội nghị các đại biểu nói trên. Người hỏi chính sách này, người hỏi chính sách khác và cuối cùng ở đây cũng như mọi chỗ khác đều một câu hỏi:
  • Xin cho biết Hồ Chí Minh là ai? Có phải là...
    Còn ai nữa? Người đứng đầu Nhà nước Cách mạng chính là lãnh tụ tôn kính, người chiến sĩ giàu kinh nghiệm của giai cấp công nhân, người con trung thành rất mực của nhân dân - đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tiếng hô đồng thanh vang dậy:
  • Nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ T.Ư do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
    Uy tín lớn lao của Bác cùng với ngọn cờ đẫm máu của Đảng, của Việt Minh đã làm cho nhân tâm tức khắc quy về một mối. Khối đoàn kết dân tộc lớn rộng hơn bao giờ hết, là nền tảng sắt đá của chính quyền cách mạng sơ sinh. Tôi điện ra Bắc: “Hai mươi mốt tỉnh tôi đi qua đều đã giành được chính quyền. Khắp lục tỉnh Nam Bộ cũng đã xong”. Hà Nội điện trả lời: “Ngày 2-9 làm lễ tuyên bố Độc lập...”.
    Theo hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt
    (Nguyễn Phúc ấm lược ghi)