Vành đai nợ nần
Cố vấn Nhà nước Myanmar - Aung San Suu Kyi tiếp ông Dương Khiết Trì tạ̣i Naypyidaw ngày 1-9.
Phát triển lớn mạnh hơn là mong muốn chung của mọi quốc gia. Thế nhưng, sự phát triển của Trung Quốc với sáng kiến “Vành đai - Con đường” (BRI) đã thực sự trở thành một “bẫy nợ” với nhiều quốc gia dù điều này đã được cảnh báo từ trước. BRI đang trở thành “Vành đai nợ nần” hay “Đường tới vỡ nợ” nếu các nước tham gia BRI không tỉnh táo.
Tất nhiên, chẳng nước nào muốn trở thành con nợ nhưng khi cần vốn đầu tư mà có sẵn ý tưởng và vốn từ nước ngoài thì quả là một cơ hội. Myanmar đang đứng trước cơ hội như vậy nhưng lại rất thận trọng. Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, mặc dù Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà San Suu Kyi được dự báo sẽ tiếp tục giành chiến thắng, tức không có sự xáo trộn chính quyền, nhưng đây lại là điều Trung Quốc lo lắng bởi trong số 33 thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC) được ký trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hồi đầu năm, chính quyền của bà San Suu Kyi chỉ mới phê chuẩn 4 dự án trong số này.
Một trong số dự án Myanmar đã ký với Trung Quốc là Đặc khu kinh tế Kyaukphyu, với trọng tâm là cảng nước sâu cùng tên hướng ra vịnh Bengal, là một trong ba trụ cột của CMEC. Có được Kyaukphyu, dầu Trung Quốc mua từ Trung Đông có thể được đưa thằng về tỉnh Vân Nam mà không cần đi qua eo Malacca. Ngoài chức năng kinh tế, Kyaukphyu có thể trở thành cảng quân sự, giúp Trung Quốc tiến nhanh sang Ấn Độ Dương.
Có thể thấy, lựa chọn Kyaukphyu để xây dựng đặc khu kinh tế là một bước đi chiến lược của Trung Quốc, bước đi đúng thời điểm. Cảng Kyaukphyu thuộc bang Rakhine của Myanmar, nơi xảy ra tình trạng bất ổn vì cuộc khủng hoảng người Rohingya nhiều năm qua. Vì điều này, Mỹ và phương Tây đã chỉ trích và khiến Myanmar gặp khó khăn trong quan hệ với các quốc gia này. Đây cũng đúng là lúc Trung Quốc ủng hộ Myanmar và sẵn sàng ủng hộ luôn bang Rhakine 200 triệu nhân dân tệ.
Nhưng Myanmar rất tỉnh táo. Lo ngại về việc gánh quá nhiều nợ của Trung Quốc, vào tháng 8-2018, Myanmar đã đàm phán thu hẹp quy mô dự án cảng Kyaukphyu, kéo được số tiền khổng lồ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD. Quan điểm cứng rắn của Myanmar là chỉ thực hiện những dự án có tính khả thi về mặt thương mại, quan trọng về mặt chiến lược và đem lại lợi ích thực sự cho quốc gia này chứ không chỉ cho quốc gia đầu tư. Cũng chính vì vậy, các dự án thuộc BRI ở Myanmar tiến hành chậm do Myanmar thận trọng. Sự thận trọng này khiến Trung Quốc lo lắng và ngày 1-9 vừa qua, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc - Dương Khiết Trì đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Myanmar để hối thúc các dự án của Trung Quốc trong BRI sẽ được tiếp tục sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.
Myanmar rất thận trọng, nhất là với dự án cảng Ryaukphyu không chỉ bởi tính khả thi hay lợi ích chiến lược mà còn bởi họ cảnh giác với “ngoại giao bẫy nợ” khi một quốc gia muốn phát triển nhanh bằng vốn nước ngoài một cách thiếu tính toán tới mức có ngày không có sức trả. Ngay cạnh Myanmar, Sri Lanka đã buộc phải nhượng quyền sử dụng một cảng biển lớn cho Trung Quốc bởi “không có tiền trả nợ”. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính quốc tế cũng cảnh báo Lào đứng trước nguy cơ “vỡ nợ” khi vay Trung Quốc quá nhiều. Có vô số những ví dụ như vậy.
Khi “bơm vốn” thực hiện các dự án lớn ở nước ngoài, Trung Quốc cũng thường “chơi ì” để kéo dài thời gian thực hiện, gây phát sinh đầu tư khiến dự án khó hoàn thành và quốc gia vay vốn phải lụy sâu thêm vào Trung Quốc. Nhưng với cảng Ryaukphyu, Trung Quốc lại muốn thúc nhanh hơn bởi nó không chỉ đem lại lợi ích kinh tế. Nếu Myanmar rơi vào “bẫy nợ” hoặc trong một tình huống nào đó, nơi đây sẽ thành căn cứ quân sự giúp Trung Quốc tiến nhanh ra Ấn Độ Dương. Vậy nhưng, với sự thận trọng của Myanmar, hy vọng quốc gia này sẽ không bị lạc vào “Vành đai nợ nần”.
Thanh Huyền