Các Luật và Nghị quyết đó là: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống rửa tiền; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Tết Nguyên đán được nghỉ thêm 1 ngày

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết, tại chương VII quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Bộ luật Lao động (sửa đổi), Điều 115 quy định về nghỉ lễ, tết ghi rõ “người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Tết Âm lịch 5 ngày”. Nếu ngày nghỉ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Người lao động cũng được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong các trường hợp: kết hôn (3 ngày), con kết hôn (1 ngày), bố mẹ đôi bên, vợ chồng, con chết (3 ngày). Luật mới cũng quy định thêm 1 ngày nghỉ nhưng không hưởng lương khi ông bà, anh chị em ruột chết, bố mẹ hoặc anh chị em ruột kết hôn.

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương 12 ngày trong điều kiện công việc bình thường, 14 ngày với người làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 16 ngày với công việc đặc biệt nặng học, độc hại hoặc nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt. Cứ 5 năm làm việc, số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm 1 ngày. Người lao động có thể thỏa thuận để nghỉhàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm/lần.

Luật cũng giữ nguyên số giờ làm thêm người lao động là không quá 200 giờ/năm. Một số trường hợp đặc biệt, số giờ làm thêm được đẩy lên nhưng không quá 300 giờ/năm, do Chính phủ hướng dẫn.

Một điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, nhưng lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân

Nghị quyết số 29/2012/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 có hiệu lực kể từ ngày thông qua có nội dung quy định một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, cụ thể như sau:

  1. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2012 đối với:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty;

b) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

  1. Miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế TNDN năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trong giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ, phòng trọ giá chăm sóc trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011;

  2. Miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định tại Điều 22 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12.

Những Luật, Bộ luật mới được Quốc hội ban hành thể hiện kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn mới và thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện qua các văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và phù hợp với định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hồ Hương