Vì sao hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy?
Khánh Hòa là tâm bão và cũng là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất, có nhiều người tử vong nhất (43). Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh, thừa nhận Khánh Hòa rất ít khi có những cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp nên người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó, lại chủ quan trước mức độ nguy hiểm của bão; một số địa phương chưa cương quyết trong việc yêu cầu người dân di dời, chằng chống nhà cửa…
Tỉnh Bình Định, bão không đổ bộ trực tiếp nhưng lại chịu nhiều thiệt hại về tàu thuyền. Theo Chủ tịch tỉnh Hồ Quốc Dũng thì “đây là sự cố không ai lường trước được”, bởi cảng Quy Nhơn chỉ bố trí được 53 trong số 104 tàu vào khu vực tránh trú bão, còn 51 tàu phải neo ở phao số 0. Cảng vụ không kịp thời báo cáo số lượng tàu thuyền bị trôi, đắm tại khu vực cảng biển để có biện pháp ứng cứu. Hậu quả là 10 tàu chìm và gặp sự cố, 10 thuyền viên bị chết, 3 người mất tích.
Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đặt câu hỏi: Công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng vì sao lại thiệt hại lớn như vậy? Nguyên nhân là vì, nhiều cấp chính quyền và người dân còn chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Đơn cử, việc sắp xếp neo đậu tàu ở cảng Quy Nhơn không hợp lý làm công tác cứu hộ gặp khó. Khi có sự cố, cần tổ chức cứu nạn thì không di chuyển được do không có đường ra phía biển!
Bão số 12 tàn phá đúng dịp “kỷ niệm” 20 năm bão Linda gây hậu quả hết sức thảm khốc vì thiếu thông tin, chính quyền không kiên quyết còn người dân không chịu di dời. Hai mươi năm, vẫn là căn bệnh chủ quan.
Đăng Quang