Văn hóa tri ân
Các thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc, xây đắp nên nền văn hiến Việt Nam với hệ giá trị tốt đẹp. Trong hệ giá trị phong phú, giàu bản sắc đó, nổi bật là đạo lý tri ân: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”“.
Có người nói: Đạo lý tri ân được xem là lĩnh vực then chốt của văn hóa dân tộc Việt Nam; bản thân hoạt động tri ân đã là văn hóa rồi, thì đặt vấn đề “văn hóa tri ân” liệu có nên?
Xin thưa là rất nên. Vì trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có quá nhiều người lợi dụng hoạt động tri ân vì “lợi ích nhóm”, vì tư lợi bản thân. Họ đã tinh vi, thậm chí xảo quyệt biến một hoạt động thấm đẫm nhân văn thành một hoạt động trục lợi.
Một cán bộ Ngành Chính sách khi tham gia vào đường dây làm hồ sơ thương binh giả đã biện bạch: Các bác ấy (những người làm hồ sơ thương binh giả) cũng từng đi bộ đội, từng vào chiến trường, từng bị thương nhưng chưa đủ mức thương tật để làm chế độ, nay xét thấy hoàn cảnh các bác ấy khó khăn nên tôi mới giúp.
Đó là lời ngụy biện, vì anh ta ém nhẹm chuyện nhận tiền để làm hồ sơ giả. Hơn nữa, đại bộ phận CCB đều chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng; không ai ủng hộ việc làm hồ sơ thương binh giả.
Một doanh nhân khi “chạy” suất đại biểu Quốc hội, đã tổ chức chương trình “Tri ân người có công” ở khu vực mình ứng cử, rồi nhờ báo chí tuyên truyền rùm beng. Ngay từ thời điểm đó, những người có hiểu biết đã đánh giá đây là hành vi lợi dụng tri ân để “tranh thủ lá phiếu”. Quả không lâu sau đó, vị đại biểu Quốc hội này bị lật tẩy hành vi làm ăn gian dối, bị Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.
Một vị lãnh đạo địa phương vốn bị dư luận bàn luận rình rang vì thâu tóm quyền lực, tham nhũng, đã tổ chức chương trình tri ân người có công rất rùm beng; thậm chí đến từng gia đình chính sách còn khó khăn, nói những câu khiến gia chủ và người dân rất xúc động. Nhưng chiêu bài “đánh bóng hình ảnh” đó của vị này chỉ lừa được một bộ phận người dân; không lâu sau đó thì chính vị này cũng sa lưới pháp luật.
Một doanh nghiệp bất động sản mỗi năm dành ra số tiền hàng tỷ đồng để làm từ thiện và tri ân người có công. Lần nào đi tri ân cũng có báo đài địa phương quay phim, chụp ảnh rất hoành tráng. Nhưng người dân cũng tỉnh táo để nhận ra, doanh nghiệp này từng “đi đêm” với quan chức địa phương, lấy đất nông nghiệp của nông dân, trả với giá rất rẻ; không lâu sau đó họ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây biệt thự bán với giá ngất ngưởng...
Là người làm báo, bản thân tôi đã không ít lần từ chối đưa tin, viết bài về các hoạt động tri ân của doanh nghiệp, dù số tiền họ tri ân các đối tượng chính sách không nhỏ. Lý do rất rõ ràng: Không phải là tất cả, nhưng cũng không ít doanh nghiệp coi trọng hoạt động xã hội - từ thiện là phần đầu tư quảng cáo, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Hơn nữa, “tay phải làm việc thiện thì đừng cho tay trái biết”. Tri ân mà cứ mời báo chí tuyên truyền, không ai biết được dụng ý đằng sau của họ làm gì!
Có lần, đi dự lễ khánh thành nhà tình nghĩa do một doanh nghiệp xây tặng gia đình một thương binh, tôi nghe người dân thì thào: Ông này cũng là thương binh 3/4 nhưng gia cảnh không đến nỗi quá nghèo, nhưng ông ấy là chú ruột của chủ tịch UBND xã nên được doanh nghiệp tặng nhà. Còn ông thương binh 2/4 nhà đối diện, gia cảnh nghèo khó nhất làng, dân làng đề nghị hỗ trợ nhưng doanh nghiệp vẫn làm ngơ...
Những câu chuyện tôi vừa kể trên không hề có “văn hóa tri ân”. Thậm chí, có những trường hợp là phản văn hóa. Nhưng tri ân là việc làm tình nghĩa, thiêng liêng nên công luận thường ngại phản ánh, đấu tranh với những hiện tượng “tri ân trá hình”. Ngay cả khi sự việc đã rõ như ban ngày thì vấn đề này cũng không dễ công bố ra công luận vì “lợi bất cập hại”, “đánh chuột sợ vỡ bình quý”.
Chính vì thế, xây dựng văn hóa tri ân lại là công việc rất quan trọng và rất cấp thiết hiện nay!
Nguyễn Hồng