Văn hóa - “sức mạnh mềm” trong phòng, chống dịch Covid-19
Hội viên CCB xã Châu Hưng thống kê số lượng, ghi chép phiếu mua hàng của người dân.
Cho đến nay, những quốc gia có nền kinh tế phát triển, có hệ thống y tế hiện đại cũng chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả để chấm dứt dịch bệnh Covid-19. Trong khi cầm cự chờ đợi các nhà khoa học tìm ra phương thuốc chữa bệnh thì phương pháp tối ưu cho thời điểm hiện tại vẫn là phổ cập tiêm chủng vắc xin và thực hiện quy tắc 5K để chung sống với dịch bệnh. “Tấm lá chắn” ấy phát huy tác dụng đến đâu lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của mỗi đất nước, mỗi vùng miền.
Việt Nam đang trong “tâm bão” của làn sóng lây nhiễm mới có tốc độ ngày càng nhanh và mức độ ngày càng nguy hiểm trước những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong bối cảnh phải đối phó với những khó khăn, phức tạp chưa từng có trong lịch sử sẽ khó tránh khỏi những lúng túng, thiếu giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ phía chính quyền và tình trạng “chưa thích nghi” trong hoàn cảnh bị phong tỏa, giãn cách của người dân. Ngoài việc nâng cao nhận thức về dịch bệnh, thì văn hóa trong cộng đồng cũng góp phần đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Không kỳ thị “F0”
Bất cứ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch bệnh và không ai mong muốn mình bị mắc Covid-19. “F0” là “người” nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng không phải ai cũng trở thành người bệnh. Thời gian qua, trong văn bản ban hành cũng như trên báo chí truyền thông, cụm từ “bóc tách F0 khỏi cộng đồng”, “truy vết F0” được dùng khá nhiều. Việc bị cách ly gây rất nhiều áp lực cả về thể chất và tinh thần đối với “F0”, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng. Tâm lý cũng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh mau khỏi. Vì vậy cần hạn chế dùng các từ ngữ gây tổn thương “kép” tới người bị nhiễm virus.
Ngoài ra, tâm lý kỳ thị còn làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch. Càng nhiều người bị nhiễm virus giấu giếm, che đậy, không dám khai bệnh, không dám xét nghiệm, thì dịch bệnh càng lây lan nhanh trong cộng đồng, gây khó kiểm soát. Đến nay, chưa ai có thể khẳng định bao giờ dịch sẽ chấm dứt, sẽ không còn “F0” trong cộng đồng, ngay cả ở những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và một số nước châu Âu. Do đó, việc điều chỉnh thái độ đối với “F0” là rất cần thiết để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.
Như tại T.P Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức, nhóm, cá nhân thiện nguyện sẵn sàng vào vùng dịch, đến nhà của người bệnh để hỗ trợ thuốc men, máy thở oxy, bình dưỡng khí, lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu… Họ không ngại hiểm nguy cho bản thân, lăn xả giúp người trong cơ nguy khó.
Khi dịch bùng phát, số lượng người mắc Covid-19 tăng chóng mặt tại T.P Hồ Chí Minh, cựu quân nhân Nguyễn Trọng Nghĩa bàn bạc cùng các thành viên nhóm thiện nguyện quyết định cải tạo chiếc xe 16 chỗ thành chiếc xe cấp cứu 0 đồng để hỗ trợ đón các bệnh nhân F0 đưa đi bệnh viện cấp cứu. Chiếc xe cấp cứu “tự chế” hoạt động mỗi ngày 14-15 giờ, tới mọi ngõ hẻm đưa bệnh nhân “F0” đi cấp cứu. Anh Nghĩa không may dương tính sau hàng trăm lần trực tiếp tiếp xúc với F0 dù anh luôn mặc đồ bảo hộ cấp độ 4, khử khuẩn xe sau mỗi lần đón người bệnh. Những ngày mắc bệnh, phải tự cách ly tại nhà, anh tiếp tục trợ giúp đồng đội bằng cách nhận điện thoại, xác nhận thông tin để điều phối nhân lực và xe. Khi vừa khỏe lại, đủ thời gian cách ly, anh quay trở lại ngay với công việc để cứu giúp những bệnh nhân cần tới viện sớm từng phút, từng giây.
Còn ở Bình Dương, đội xe cứu hộ 0 đồng đã không quản ngày đêm, sẵn sàng lên đường khi nhận được những cuộc gọi cầu cứu của người dân với phương châm “Còn thở phải chở. Tắt thở cũng nhận chở!”. Những ngày này, đội xe lập thêm đội mai táng 0 đồng để hỗ trợ những gia đình khó khăn có người thân tử vong vì Covid-19.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để thích ứng, “sống chung” với Covid-19, thực hiện quy tắc 5K đang được mỗi gia đình dần thích nghi. Thói quen ra đường đeo khẩu trang được chấp hành nghiêm túc. Mọi người hạn chế tiếp xúc xã hội, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Hàng xóm có gặp nhau thì đứng từ xa hỏi thăm.
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng đi chợ theo phiếu quy định hoặc mua hàng online. Tại nhiều nơi, tuy thực hiện giãn cách nhưng nhờ sáng tạo vận dụng của chính quyền và các đoàn thể vẫn tạo không khí đoàn kết, ấm áp tình người. Như ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Hội CCB xã phối hợp với với các đoàn thể xã tổ chức hiệu quả hoạt động tổ hỗ trợ dân đi chợ. Toàn xã thành lập 4 tổ. Mỗi đoàn thể phụ trách 1 ấp. Hội CCB xã đảm nhiệm ấp Tân Hưng. Người dân có thể đặt 2 đơn hàng/tuần, 1 lần yêu cầu/ngày. Khi người dân có nhu cầu mua hàng, chỉ cần điền đầy đủ thông tin trong mẫu hóa đơn đặt hàng, có thể liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua điện thoại, mạng xã hội. Thành viên tổ thống kê số lượng cụ thể, báo cáo tổ trưởng kết nối tiểu thương chốt đơn hàng, sau mang hàng về tận từng gia đình.
“Sức mạnh mềm” của văn hóa sẽ tiếp thêm sức mạnh trong phòng, chống dịch, là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội.
Hồ Thanh Hương
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)