Văn hóa chợ - Xưa và nay

Từ phong cách người bán hàng
Mang nét đặc trưng của người Á Đông, ở Việt Nam chúng ta dù là chợ ở thành phố lớn, chợ huyện hay chợ xã… những người buôn bán thường có đặc tính lanh lẹ, xởi lởi, dọn hàng đúng giờ… chấp hành và tuân thủ giờ họp của từng chợ theo ý thức tự nhiên. Nó không ồn ào như những chợ “cóc” tự phát hiện nay. Người bán hàng khi xưa luôn tuân thủ theo hướng dẫn. Bán có nơi, ngồi có chỗ. Vân đề vệ sinh chợ, nhât là chỗ ngồi của mình lúc nào cũng sạch sẽ.
Còn nhớ những năm 60, 70 của thế kỷ 20, chợ Gọ quê tôi, một vùng quê chiêm trũng của huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Chợ được họp trên một rẻo đất một bên là ruộng, chừng 1.500m2 gần đình Cổ Hội thuộc thị trấn Châu Giang. Trong chợ lúc đó có khoảng 30 cái lều rạ, mỗi lều chừng 4m2 nhưng cũng khá quy củ, Hàng ngang hàng dọc đều thê nếp người kỹ tính.
Hàng hóa ở chợ chủ yếu là tự cung tự cấp theo kiểu cây nhà lá vườn. Sản xuất ra ăn không hết đem ra chợ bán để mua các thứ khác mà mình cần dùng từ mớ rau, nón, chè xanh, nải chuối, thẻ hương hay con cá tát ở ruộng…
Người đi chợ chủ yếu mang thúng hay quanh gánh. Khi mua một món hàng dù to hay nhỏ độ vài đồng hay vài hào… đều có sẵn lá chuối gói lại và buộc bằng dây chuối khô cho khách trông rất đẹp mắt, lịch sự. Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà chợ còn là nơi đi chơi, chỗ tụ họp người làng này hay làng khác gặp nhau, họ đều hồ hởi, tay bắt mặt mừng hỏi han nhau về sức khỏe, làm ăn, con cái, học hành…
Ở chợ, người bán hàng có những đặc trưng như: Người bán vải, hàng xén, đồ khô… thì quần áo luôn tươm tất. Người bán cá, bán thịt thường mặc hai áo: áo trong đẹp, áo ngoài cũ nếu lỡ cần đi đâu gấp hay tiếp xúc với giới chức trong chợ thì chỉ cần họ bỏ áo ngoài là trông lịch sự ngay. Cái ấn tượng về chợ Gọ quê tôi ngày ấy có nhiều điều muốn kể ra song vì khuôn khổ bài viết không cho phép… Và ngày nay khi đã tiếp xúc với nhiều chủ hàng có thâm niên ở chợ Bến Thành, chợ Bình Tây hay chợ Phú Nhuận, Xóm Mới (TP. Hồ Chí Minh)… Tôi mới thấm thía từng mặt hàng đều có cái khéo riêng của mình để mời khách. Họ dự đoán thị trường rất sát giá. Nếu hàng hút thì bán lai rai, bán hết sớm thì e sẽ mất lời nhiều, mà nếu hàng dội thì nhất thiết phải hạ giá bán nhanh để thu hồi vốn… tuy thế nhưng họ luôn phải tham khảo giá hiện thời điểm đó không được lên giá trước khi thị trường lên giá…
Ở nhiều nơi, đi vào chợ, ngang qua các sạp hàng, khách chưa hỏi chủ hàng đã mời chào đon đả, khách cần gì họ đáp ứng mua đúng món hàng đó. Có những sạp không đáp ứng được ý muốn khách hàng thì họ vui vẻ chỉ nơi bán. Có khi đi nhiều sạp ở chợ hỏi rồi, không mua họ cũng cảm ơn, trả giá thấp họ vui vẻ không giận mà còn dặn nếu hàng chỗ khác cao hơn thì mời quay lại. Ôi, thế mới đúng là văn hóa ở chốn chợ đông.

Đền tình người ở chợ
Không phải ở chợ cái gì cũng chuẩn mà không có lời chê trách. Nếu đi nhiều nơi thì chúng ta cũng có thể nghe được những câu đại loại như: Cũng mặt hàng đó sao chợ Bến Thành nói thách gấp bốn lần chợ Phạm Văn Hai, nay mấy bà ở chợ An Đông đáp thuế cao hay sao mà món hàng gì ở chợ này giá lại cao quá trời vậy… Chung quy cũng đễ hiểu thôi. Người buôn bán là “làm dâu trăm họ”. Rồi đa phần các chủ sạp hàng cũng chỉ biết tặc lưỡi: Ôi hơi đâu mà suy nghĩ, cứ vui vẻ để mua may bán đắt là được.
Mặc, có nói gì thì nói chứ các tiểu thương ở chợ thực sự họ rất tình cảm, dễ thương. Cứ nhìn vào nhiệt tình đóng góp của họ mỗi khi có thiên tai, lũ lụt hay như ủng hộ các chiến sỹ đóng quân làm nhiệm vụ ở Trường Sa, biên giới… thì mới thấy hết được tấm lòng đối với đồng bào ruột thịt như thế nào. Có những nơi ban quản lý chợ chưa kịp phát động kế hoạch cứu trợ hay ủng hộ thì chị tiểu thương các ngành hàng đã hối thúc, tự nguyện đóng góp tiền, hiện vật, tổ chức đoàn tới những nơi gặp nạn để giúp đỡ. Đức tính tốt ấy khiến những người có trách nhiệm dù bận đến đâu cũng phải ra tay vào cuộc. Bên cạnh đó, cứ mỗi độ tết đến xuân về, chị em tiểu thương các chợ lại chung lòng gửi những món quà xuân tặng các chiến sỹ nơi biên giới hải đảo, tặng quà cho những mảnh đời bất hạnh để họ cũng có tết. Ngoài ra các chủ tiệm hàng thường có những món quà xuân như: gói trà, gói mứt, cặp rượu… hay những cuốn lịch năm mới, để tặng mối hàng của họ, vừa là món quà xuân vừa là để quảng cáo thương hiệu của họ. Cho dù đôi bên có người có lợi nhiều, người có lợi ít, nhưng âu cũng là nét văn hóa trong giao tiếp giữa người với người.
Có thể thấy, trong xu thế hội nhập hiện nay, chợ không chỉ là nơi giao tiếp, trao đổi hàng hóa mà nó còn là nét đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi địa phương mà nét đặc thù của nó thì mỗi nơi mỗi vẻ khác nhau. Chợ cũng là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm và là nơi khách ghi nhận được cách thức buôn bán của mỗi địa phương trong cả nước. Vì thế hiện nay việc xây dựng chợ văn minh thương nghiệp theo bản sắc riêng của từng vùng, miền thực sự cần thiết. Đấy cũng là nét văn hóa bản sắc trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay mà ta cần có.
Quãng hơn 4 năm trở lại đây, ở TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn, các chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý, không còn là Ban quản lý nữa mà mỗi chợ chuyển sang mô hình Hợp tác xã thương mại. Cũng chính việc chuyển đổi mô hình để đổi cung cách quản lý. Theo chúng tôi được biết, Ban Quản trị các HTX Thương mại quản lý mà chợ họ đều phấn khởi cung cách quản lý gọn lẹ, không cồng kềnh và thu nhập cũng nâng lên bởi sự quan tâm từ cấp quận, thành phố… Họ cũng được tập huấn đủ thứ như Luật dân sự, Thuế… bình đẳng như các doanh nghiệp và công ty cổ phần… Song dù có chuyển đổi như thế nào thì cái tình, cái lý của người buôn bán trong chợ vẫn không mai một… Bởi bản sắc của tình người ở chợ lúc nào vẫn như thế.
Quang Ngọc