Vận động quá mức dễ bị viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở tuổi trưởng thành. Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khớp, dây chằng và các cơ, vận động khó khăn. Bệnh có thể chữa được, nhưng cần phát hiện và chữa trị sớm, nếu không có thể để lại biến chứng xấu.
Người nào dễ bị viêm bao hoạt dịch?
Có nhiều nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch, nhưng chủ yếu là do vận động quá mức và sang chấn khớp. Các sang chấn khớp có thể do lao động chân tay nặng, mang vác nặng hoặc có những động tác mạnh, liên tục như công nhân quai búa đập phá đá, công nhân lò rèn... Một số sang chấn khớp có thể gặp trong khi chơi thể thao (cử tạ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…). Ngoài ra, có thể gặp viêm bao hoạt dịch do viêm nhiễm như bệnh gút (cấp, mạn tính), thấp khớp cấp hoặc do một số bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, bệnh của tuyến giáp trạng…) hoặc tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho viêm bao hoạt dịch như ngồi lâu nhiều giờ lặp đi lặp lại nhiều trong một quãng thời gian lâu trên một nền cứng (nhiều tháng, nhiều năm) hoặc quỳ lâu, nhiều lần (lau sàn nhà…), ngồi làm việc tỳ khớp khuỷu tay trong thời gian dài (bệnh nghề nghiệp).
Triệu chứng và cách phòng bệnh
Thông thường, bao hoạt dịch của khớp vai, hông, khớp gối, khớp khuỷu tay, cổ chân, ngón chân cái (trong bệnh gút) thường có tỷ lệ viêm bao hoạt dịch cao hơn các khớp khác. Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khá điển hình bao gồm khớp có sưng, nóng, đỏ, đau và có thể gây cứng khớp. Cơn đau sẽ tăng lên khi vận động hoặc sờ nắn vào bao khớp. Ngoài ra, có thể thấy bầm tím hoặc có ban đỏ da vùng khớp đau và có thể sốt (viêm khớp cấp). Một số trường hợp viêm bao hoạt dịch bị biến chứng gây thủng (khớp gối, khuỷu tay) và bị viêm nhiễm túi hoạt dịch, diễn biến bệnh sẽ phức tạp hơn (sốt cao, sưng to hơn…), vận động rất khó khăn do đau.
Để biết chắc chắn có bị viêm bao hoạt dịch hay không, ngoài các biểu hiện các triệu chứng, tiền sử (bệnh gút, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp…), cần thiết chụp Xquang, siêu âm khớp để biết tình trạng của khớp, dịch khớp (tràn dịch khớp), tốt hơn là chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI). Đồng thời xét nghiệm máu, chọc dịch khớp để thăm dò và làm xét nghiệm
Để phòng bệnh viêm bao hoạt dịch, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên thay đổi lề lối làm việc (cần nghỉ giải lao giữa giờ, không ngồi ghế có nền cứng, quỳ lau sàn nhà nên có đệm đầu gối…). Hạn chế hoặc tránh mang vật nặng ảnh hưởng đến bao hoạt dịch khớp vai, khớp gối, khớp cổ chân. Nên luôn vận động cơ thể, vào mùa lạnh, trước khi tập thể dục nên có các động tác khởi động nhẹ nhàng trước nhằm làm nóng bao hoạt dịch, khớp xương, dây chằng, các cơ liên quan đến khớp và bao khớp.
Người tăng cân hoặc có xu hướng tăng cân nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để giảm cân, bởi vì béo phì, tăng trọng lượng cơ thể sẽ tăng trọng lực tác động lên các cơ xương khớp và bao hoạt dịch.
Thành An