Vấn đề xây dựng lòng tin (08/03/2012)
Chính sách ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẵn sàng mở cửa chào đón các thanh sát viên của IAEA tới tổ hợp hạt nhân Dông Piên, nơi có 2.000 máy li tâm, để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân tại đây. Động thái này được cho là tín hiệu tích cực mới nhất mở ra một chương mới trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, để Triều Tiên đi đến quyết định không mấy dễ dàng này là một nỗ lực lớn của các bên liên quan; trong đó phải kể đến cuộc đối thoại song phương lần gần đây nhất giữa đặc phái viên Mỹ phụ trách về chính sách với Triều Tiên G.Đây-vít và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất CHDCND Triều Tiên Kim Kê Quan tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Động thái mới từ Bình Nhưỡng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế và được Mỹ trông đợi hơn cả. Trong bối cảnh nước Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống, đây không chỉ là tin vui với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma mà còn là một dấu ấn trong đối ngoại tiếp nối sau một loạt thành tích "ghi điểm" như tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen, rút quân khỏi I-rắc, thúc đẩy nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng...
Tuy nhiên, trong sự lạc quan đó, thì những bên liên quan gồm Mỹ và các đồng minh lại tỏ ra khá thận trọng. Đối với Mỹ, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong một chuỗi các điều kiện cần có, và Oa-sinh-tơn sẽ cần phải xem xét thận trọng về các bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng.
Còn nhớ, dưới thời cố nhà lãnh đạo Kim Chăng In, câu chuyện đổi chác giữa hạt nhân và kinh tế giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đã từng diễn ra. Song lúc đó, rất nhiều cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt bởi Mỹ và Triều Tiên luôn tranh cãi về việc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước hay Oa-sinh-tơn phải cung cấp viện trợ và các đảm bảo an ninh trước. Và lần này liệu có thể có ngoại lệ hay không? Bên nào sẽ nhường bước trước? Vì thế, không ít chuyên gia hoài nghi quyết định vừa được Triều Tiên đưa ra. Liệu nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Châng Un có đổi ý là điều đang được dư luận thế giới quan tâm.
Vậy nên, việc thực hiện các bước đi tiếp theo này lại không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào phía Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan. Đơn giản là vì, việc dừng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện mà một trong những điều kiện cụ thể ở đây là đánh đổi lấy 240.000 tấn gạo cung cấp “dinh dưỡng” từ phía Mỹ. 240.000 tấn gạo không phải là bài toán kinh tế lớn đối với Mỹ, song điều quan trọng là hai bên xây dựng lòng tin xung quanh điều kiện trao đổi này. Kể từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi vòng đàm phán 6 bên gồm CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi một cách đáng lo ngại. Trong khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng liên tục chỉ trích Oa-sinh-tơn là “kẻ gây rối” trong khu vực vì đã biến Hàn Quốc thành “kho hạt nhân lớn nhất ở khu vực Viễn Đông”. Triều Tiên đã tái thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, tiến hành tái chế plutoni ở mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ không hề thay đổi các chính sách cứng rắn với Triều Tiên.
Chính sự cứng rắn này cũng khiến Mỹ đang tự đánh mất các cơ hội đàm phán với Triều Tiên và phá hỏng một số thành quả mà chính phủ tiền nhiệm đã đạt được trong vấn đề này. Thế nên, trong lúc bế tắc này, đã đến lúc cả Mỹ và Triều Tiên nhận ra rằng, “mềm dẻo hơn” trong quan hệ song phương sẽ là tiền đề để tiến tới các vòng đàm phán đa phương. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.
Rõ ràng, Mỹ và Triều Tiên đang thể hiện mong muốn khai thông bế tắc hạt nhân. Việc mở lại các vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên khả năng sẽ nhanh chóng được nối lại sau các động thái tích cực này. Thế nhưng, trở lại bàn đàm phán sáu bên mới chỉ là bước đi tiên quyết, song điều quan trọng hơn là phải khỏa lấp được hố sâu nghi kị giữa Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng, nếu không quan hệ giữa hai bên sẽ luôn rơi vào trạng thái cũ.
Thanh Lâm