Vấn đề Vinashin: PHẢI QUY TRÁCH NHIỆM CHO AI? (05/08/2010)

Sau khi Báo CCB Việt Nam đăng bài “Bài học Vinashin cảnh báo nhiều điều” trong số báo ra ngày 15-7-2010, Báo CCB Việt Nam đã nhận được nhiều thư, điện thoại hoặc trực tiếp của nhiều bạn đọc là lão thành cách mạng, CCB, cán bộ và đảng viên tỏ ý hoan nghênh Báo CCB Việt Nam đã đề cập đến việc cần truy cứu trách nhiệm của bộ chủ quản, các cơ quan chức năng ở Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, chỉ đạo các tập đoàn kinh tế lớn mà vụ việc điển hình là Tập đoàn Vinashin.

Nhiều bạn đọc cho rằng, để Vinashin thua lỗ rất nghiêm trọng như vậy, không chỉ quy trách nhiệm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin và các tổ chức, cá nhân của Vinashin mà còn phải quy trách nhiệm các cơ quan bộ ngành liên quan. Có như vậy mới giữ vững nguyên tắc kỷ luật Đảng và kỷ cương phép nước.

Sai phạm rất nghiêm trọng của Vinashin thể hiện ở nhiều điểm: Vi phạm nghiêm trọng pháp luật quy định của Nhà nước (cụ thể là Luật Doanh nghiệp và các Luật về quản lý kinh tế); sản xuất kinh doanh để thua lỗ tới gần 90 nghìn tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD), gấp hơn 2 lần tổng số xuất khẩu gạo một năm là công sức của hàng triệu nông dân; vi phạm nguyên tắc tổ chức cán bộ để ông Phạm Thanh Bình độc đoán, chuyên quyền, tùy tiện bổ nhiệm em trai, con trai giữ các vị trí quan trọng không tương xứng với đức độ tài năng; sử dụng hoang phí tài sản Nhà nước và nhân dân mà điển hình là việc tự ý mua tàu chở khách Hoa Sen trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng về đắp chiếu, không hoạt động; sử dụng kém hiệu quả trái phiếu quốc tế trị giá 750 triệu USD... Những sai phạm của Vinashin đã ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với các tập đoàn kinh tế lớn là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Dù đau đớn nhưng điều cần làm và phải làm là xác định rõ ràng trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân, bất kỳ người đó ở cương vị nào cũng phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Một bạn đọc là chuyên gia kinh tế nhận xét: Nói là tái cơ cấu lại Vinashin nghe chẳng xuôi tai vì thực chất chuyện này là chia nợ của Vinashin cho các tập đoàn kinh tế khác gánh chịu, chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và như vậy cũng có nghĩa là chia nợ cho nhân dân trả.

Nhân bàn đến Vinashin, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Thua lỗ triền miên nhiều năm mà sao lãnh đạo, cán bộ Vinashin lương thưởng vẫn cao ngất ngưởng. Một cán bộ công tác ở một tập đoàn kinh tế lớn cho biết: Một cán bộ mới vào làm ở tập đoàn kinh tế lớn, lương và các khoản thu nhập cũng được trên dưới 10 triệu đồng, tương đương lương Bộ trưởng; còn Tổng giám đốc thì phải gấp 7 - 8 lần lương Chủ tịch nước. Nhân đây, dư luận vẫn chưa hết bức xúc vì lương thưởng của cán bộ lãnh đạo ở Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước xấp sỉ 80 triệu đồng một tháng mà lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TBXH biện minh là do cơ chế lương đặc thù của các Tổng công ty. Biện minh như thế là không thuyết phục bởi các tập đoàn, công ty này có phải là tư nhân đâu mà là tập đoàn, công ty Nhà nước. Mặt khác, nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thì đâu có phải các tập đoàn này tài giỏi gì mà đơn giản là lấy tài nguyên đất nước đem bán. Như vậy, trách nhiệm các cơ quan kiểm tra giám sát về lương thưởng ở đâu mà để xảy ra tình trạng thu nhập bất hợp lý ghê gớm như vậy?

Một vấn đề mà bạn đọc bức xúc là việc phát hành trái phiếu quốc tế 750 triệu USD do Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin sử dụng mà đến hết năm 2008 mới có 56 dự án hoàn thành, còn 163 dự án vẫn đang triển khai. Như vậy, Vinashin đã sử dụng 750 triệu USD cho 75% số dự án thua lỗ gây dư nợ rất lớn! Một tập đoàn hay công ty phải dùng uy tín của mình để đi vay nước ngoài hay tín chấp ngân hàng để vay tiền trong nước. Điều nghịch lý là một tập đoàn khổng lồ như Vinashin không tự mình chịu trách nhiệm đi vay mà phải dùng uy tín Chính phủ để vay tiền. Đây chính là một trong những nguyên nhân để Vinashin không thấy rõ nghĩa vụ của mình trong sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Bé, 87 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa Công an Khánh Hòa, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ những năm 1965-1968 bức xúc: Lẽ nào Chính phủ không nghe, không biết. 18 tỉnh cho nước ngoài thuê đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn xâm hại kinh tế, an ninh quốc phòng. Tập đoàn điện lực xây dựng hai nhà máy nhiệt điện tốn hàng nghìn tỷ đồng rồi để hoang phí. Tập đoàn Vinashin sai phạm nghiêm trọng… Các tập đoàn kinh tế lớn đều do Thủ tướng trực tiếp quản lý chỉ đạo. Nhiều vụ việc thế sao không thấy Thủ tướng chỉ đạo rốt ráo kiểm điểm xem xét trách nhiệm của cơ quan hành pháp?

Vấn đề Vinashin đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng bộ chủ quản và các cơ quan chức năng vẫn án binh bất động để đến khi căn bệnh quá trầm trọng thì liệu thuốc nào chữa được. Vậy thì phải truy xét trách nhiệm các cơ quan này.

Phải khẳng định những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng có được một phần quan trọng là do sự quản lý điều hành của Chính phủ, nhưng để xảy ra nhiều vụ việc bức xúc như nạn tham nhũng tiêu cực tham ô lãng phí, nạn giao đất rừng đầu nguồn cho nước ngoài, nạn khai thác và bán các nguồn tài nguyên đất nước không dự tính cho tương lai; việc vay nước ngoài quá mức để nợ cho con cháu; việc xây dựng các đề án khổng lồ thiếu tính khả thi để mất nhiều tiền và thời gian công sức tranh cãi… cũng như việc buông lỏng quản lý dẫn đến một số tập đoàn công ty nhà nước thua lỗ, phá sản mà Vinashin là vụ cộm cán là yếu kém, bất cập không thể bỏ qua. Đã đến lúc không chỉ truy cứu trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành, để xảy ra sai phạm mà cần phân tích, đánh giá, quy kết trách nhiệm ở cấp cao hơn. Về vụ Vinashin cần phải xem trách nhiệm Chính phủ ở đâu? Đó cũng là việc phải làm để Chính phủ mạnh thêm, thực sự là Chính phủ của dân, do dân và vì dân.

BAN CÔNG TÁC BẠN ĐỌC