Vấn đề hôm nay: Vì sao sau bão vẫn dự báo tăng trưởng 7%?

Tại cuộc họp báo ngày 6-1-2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Kinh tế nước ta sẽ tiếp tục xu hướng tích cực - dự báo tăng trưởng đạt 7% năm.    

5 yếu tố giúp tăng trưởng

Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào miền Bắc đầu tháng 9-2024 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình hình sản xuất kinh doanh của 26 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại tới hơn 80.000 tỷ đồng.

Ngày 15-9-2024, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) đã báo cáo, bão số 3 ảnh hưởng rất lớn tới 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa - các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước; nên ước tính tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%; quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) vẫn lạc quan cho rằng: GDP quý III-2024 vẫn ước tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước, vì các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; sản xuất công nghiệp; kể cả nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thiệt hại bão lũ rất lớn, nhưng GDP vẫn đạt mức khá - được TCTK giải thích do những yếu tố sau: Tác động của 26 tỉnh, thành bị ảnh hưởng báo Yagi tới GDP chung cả nước không lớn; phần lớn những con số thiệt hại do bão về nhà cửa, tài sản, hạ tầng không tính vào hoạt động sản xuất mà được thống kê tính vào sự thay đổi tài sản; Ngành Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ, vận tải... duy trì đà tăng trưởng nên đã kéo lại được mức sụt giảm do thiệt hại bão lũ gây ra; kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả; thu hút vốn FDI đã tăng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài ổn định sản xuất và mở rộng hoạt động.

“Khoảng tối!”

Tuy việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là khả thi, nhưng tình hình kinh tế vẫn có nhiều nỗi lo, tạm ví là những “khoảng tối”của nền kinh tế: 9 tháng qua, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng (tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký. Bình quân 1 tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động). Nhưng cũng có 86,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân 1 tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, thiệt hại do bão lũ gây ra còn tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp ở những tháng tiếp theo; hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng; khu vực dịch vụ tuy đạt được mức tăng trưởng 7,51%, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP, nhưng đang nhập siêu!

9 tháng qua, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD. Nhất là nhập siêu dịch vụ 9 tháng năm 2024 đang ở mức 9,2 tỷ USD.

Trong khi khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn: Thị trường, vốn và pháp lý. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để; doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới, như tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững; môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều.

Hai giải pháp chính

Để đạt được mục tiêu, vượt qua thách thức, vẫn phải tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế;

Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; thúc đẩy đầu tư công. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

T.S Phạm Đình Hạng