Vấn đề hôm nay: Bài toán tăng thuế đồ uống!

Đang có rất nhiều ý kiến không đồng thuận với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 này.

Ngành đồ uống là một chuỗi cung ứng từ sản xuất, tiêu thụ; đặc biệt dịch vụ ăn uống và dịch vụ du lịch, nên tăng thuế như dự thảo sẽ ngay lập tức tác động nhiều chiều đến cả chuỗi cung ứng; không những không làm cho ngân sách tăng thu, mà còn thậm chí giảm  và cũng không đạt được đạo lý của luật là thay đổi hành vi người tiêu dùng, hạn chế sử dụng rượu bia.

Trong dự thảo, Cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng rượu bia, đồ uống, có cồn sẽ áp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, với 2 phương án, 1: Bia, rượu trên 20 độ, tăng thêm 5% (hiện tại là 65% lên 70% vào năm 2026 và tăng đều 5% mỗi năm sau đó để đạt 90% vào 2030); 2: Tăng ngay 15% vào năm 2026, từ các năm sau tăng đều 5% mỗi năm để đạt 100% vào 2030.

Kết quả phân tích sơ bộ của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho thấy, với phương án 1: Giá trị gia tăng của ngành bia sẽ giảm 1.163 tỷ đồng vào năm 2026; phương án 2: Giảm 3.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy sự giảm sút đáng kể trong giá trị sản xuất và lợi nhuận của ngành, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động.

Đó là chưa nói, tăng thuế thì đồng thời “thuế gián thu” cũng sẽ tăng; trong khi sản xuất thu hẹp, nguồn thu của toàn ngành giảm khoảng 364 tỷ đồng vào năm 2026, các năm tiếp sau GDP còn giảm nhiều hơn.

“Như vậy, cả 2 phương án, từ năm 2027 đến 2030 mỗi năm tăng đều 5%.  Chắc chắn sẽ là cú sốc với doanh nghiệp trong ngành” - bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam phát biểu khẳng định.

Các doanh nghiệp rượu bia, vì nhiều lý do khách quan, hiện đang ‘thoi thóp” - thu không đủ chi, nhưng chưa thể giảm nhân công, thu gọn sản xuất ngay được, nếu “chồng thuế” nữa thì lại càng khó khăn.  

Với nước giải khát có đường, cơ quan soạn thảo cũng đang muốn tăng thuế suất lên 10%, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì - lý giải của cơ quan soạn thảo. Nhưng phía các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp lại cho rằng đề xuất này chưa có đánh giá tác động toàn diện; thiếu luận cứ rõ ràng; chưa đảm bảo tính công bằng; thời điểm áp dụng chưa tính đến bối cảnh, thực tiễn…

Cũng theo kết quả tính toán của CIEM cho thấy, khi áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường thì sẽ khiến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp, giá trị tăng thêm của ngành sẽ giảm khoảng 0,772%    (tương đương 5.650 tỷ đồng); đồng thời tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành và tác động tiêu cực tới toàn nền kinh tế.  

Tăng thuế như đề xuất của cơ quan soạn thảo, sẽ khiến tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng, kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định giảm ở mức âm 0,654% (tương đương 7.767 tỷ đồng); lợi nhuận giảm âm 0,561% (tương đương 8.773 tỷ đồng). Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng; đồng thời còn tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, (tương đương 34.534 tỷ đồng).  

TS. Nguyễn Minh Thảo (CIEM) cho rằng: “Tuy tăng thuế, năm đầu tiên áp thuế nguồn thu từ thuế gián thu tăng 0,853%, nhưng ở chu kỳ tiếp theo, ngay sau năm đó, nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm, với mức âm 0,495%/năm (khoảng 4.978 tỷ đồng/năm). Và các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm”.

         Xã hội không phản đối tăng thuế TTĐB, nhưng mức tăng như thế nào, lộ trình ra làm sao để các doanh nghiệp sản xuất chuỗi cung ứng dịch vụ đảm bảo  sản xuất ổn định, nhằm hài hòa 3 lợi ích: Người tiêu dùng - Doanh nghiệp - Nhà nước. Chính vì thế, rất cần  một giải pháp vừa đảm bảo mục tiêu tăng thu ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lại thay đổi được hành vi người tiêu dùng, lại không làm mất đi sức hấp dẫn với khách du lịch… Đó là chưa nói tăng thuế không chỉ ngành đồ uống mà hàng loạt các ngành khác cũng sẽ bị tác động ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng.

“Chính sách thuế cần khuyến khích tiêu dùng nội địa, và cần tính đến rủi ro của doanh nghiệp, cũng như rủi ro của lạm phát trong ngắn hạn. Đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có một giải pháp toàn diện, cân nhắc lợi ích của nhiều bên” - PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính lưu ý).  

Còn bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nói: “Luật muốn đi vào cuộc sống thì phải có tính khả thi và đảm bảo mục tiêu của luật đề ra. Như thế doanh nghiệp sản xuất mới có thể còn kịp chuyển đổi sản xuất và mặt hàng, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi với các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để đưa ra quyết định cuối cùng”.

TS Phạm Trần Tuệ