Vấn đề “đối tác” và “đối tượng”
Những ai quan tâm đến chính trị Việt Nam, đều chú ý đến mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhiều tài khoản trên internet, mạng xã hội có những quan điểm khác nhau. Rồi còn “tư vấn” (!) cho Đảng và Nhà nước ta thế này, thế kia…
Tất nhiên đó là những quan điểm và cách nhìn của mỗi người.
Không ít người cho rằng tình hình Biển Đông đang diễn ra phức tạp do Trung Quốc xâm lấn biển đảo của nhiều nước, trong đó có Việt Nam - dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”; lịch sử,… của họ, thì Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là của Hoa Kỳ.
Nhất là gần đây, sau chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Hoa Kỳ - bà Kamala Harris, lại có “đoán già, đón non”; biểu lộ “mong muốn” và cho rằng đây là một cơ hội để Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ lên một nấc thang mới - từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Thiết nghĩ quan điểm này cũng không phải không có cơ sở.
Vậy quan hệ Việt Nam với với Hoa Kỳ như thế nào?
Có thể nói, quan hệ Việt Nam với Hoa kỳ là một mối quan hệ rất đặc biệt. Hai nước đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử đầy khó khăn, thách thức. Chỉ tính từ khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, đất nước thống nhất đến nay quan hệ hai nước đã nhiều lần chuyển đổi.
Mở đầu là Hoa Kỳ thực hiện chính sách bao vây, cấm vận nghiệt ngã đối với Việt Nam, để diễn ra một cuộc di tản chưa từng có trong lịch sử. Dòng người “con Lạc, cháu Hồng” rời bỏ Tổ quốc ta ra đi với những lý do khác nhau, đến nhiều quốc gia. Nhiều nhất là tị nạn ở Hoa Kỳ… Đây là một ký ức đặc biệt của dân tộc. Khái niệm “di tản”, “thuyền nhân”, “tỵ nạn chính trị” đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một ký ức đau buồn, khó có thể quên được.
Lịch sử cũng ghi nhận, sau 20 năm cấm vận, ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ - Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và ngay sáng hôm sau, ngày 12-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Đây là bước phát triển trong tư duy chính trị của Đảng ta. Sớm nắm bắt xu thế toàn cầu hóa, Đảng ta đã đổi mới tư duy chính trị trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1947-1991) sang hội nhập quốc tế.
Nếu như trước đây, trong kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, quan điểm của Đảng ta về “địch” - “ta”, “ bạn” - “ thù”, thì hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đã có những thay đổi lớn, vừa phụ thuộc lẫn nhau vừa chịu ràng buộc bởi “luật chơi” chung; mỗi quốc gia không còn là một cá thể riêng biệt mà phải chấp nhận hoặc gắn bó với nhau trong các quan hệ, hoặc đứng ngoài. Để phù hợp với xu thế phát triển chung đó, công tác đối ngoại của Đảng, không chỉ xác định “bạn” - “thù”, “địch” - “ta”, mà còn là “đối tác”, “đối tượng” ít nhất là trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Với Trung Quốc - năm 1993, hai nước đạt được thỏa thuận cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, theo những nguyên tắc cơ bản là “Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Còn với Hoa Kỳ, Việt Nam đã xác định là “Đối tác toàn diện”.
Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta đã chỉ ra nội hàm của đối tác và đối tượng một cách khách quan, khoa học: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng”.
Việt Nam không quên quá khứ nhưng luôn hướng tới tương lai, với quan điểm đối ngoại được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp pháp, cùng có lợi” .
Thiết nghĩ, trong quan hệ quốc tế nói chung, giữa Việt Nam và các nước, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ nói riêng không tùy thuộc vào mong muốn từ một bên, mà cần phải được xây dựng trên tinh thần bình đẳng, theo luật pháp quốc tế. Mà thước đo đáng tin cậy nhất trong hợp tác quan hệ quốc tế là những bước phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
T.S. Trần Thị Hồng Hạnh - Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.