Vấn đề dân di cư tự do Lỗi do đầu tư ngược!
Những ngôi lán của dân di cư tự do tại tiểu khu 179.
Chênh vênh giữa đại ngàn
Tiểu khu 179 thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nằm cách trung tâm xã gần 70km. Để đến được khu vực này, chúng tôi phải theo quốc lộ 27, rồi theo trục đường liên xã vòng qua 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông sau đó cắt rừng tìm lối đi vào. Trên những tuyến đường mà chúng tôi đi qua thuộc các xã Quảng Hòa, Quảng Sơn của huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, những cánh rừng vừa bị cạo trọc để làm nương rẫy.
Giữa những khoảng trống thấp thoáng nhà cửa, lán trại của người dân di cư tự do, đồng chí công an xã dẫn đường cho biết, cách đây vài năm, dọc hai bên tuyến đường này là những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, nhưng giờ đã bị phá rụi.
Từ con đường liên xã của huyện Đắk Glong, men theo đường mòn trong các rẫy cà phê để bến bờ sông Đắk R’măng, thời điểm này là mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết. Nối hai bờ sông là chiếc cầu treo do người dân tự làm, được ghép từ những mảnh ván gỗ ọp ẹp, sơ sài, đung đưa trên mặt nước. Lấy hết can đảm, chúng tôi lao cả xe và người như những diễn viên xiếc biểu diễn thăng bằng trên dây. Qua cầu, trèo lên một con dốc nhỏ, tiểu khu 179 hiện ra với những nóc nhà, lán trại của dân DCTD.
Tiểu khu 179 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Sê-rê-pốc (Lâm Đồng). Cách đây gần 20 năm, một số hộ đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Lào Cai, Điện Biên bắt đầu di cư vào khu vực này. Năm 2002, tỉnh Lâm Đồng tổ chức di dời các hộ dân về điểm định canh định cư (ĐCĐC) lâu dài tại thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông. Tuy nhiên, sau một thời gian, một số hộ lại quay về nơi cũ tiếp tục phá rừng làm rẫy.
Hôm chúng tôi tới, có 3 hộ gia đình mới vào gồm Vừ Sán Tùng và Vừ A Dia ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên; Vàng A Sài ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Xung quanh lán trại của các hộ, dấu vết những vạt rừng vừa bị đốn hạ còn mới, tre nứa bị hạ ngổn ngang, vết cháy đen nham nhở.
Theo thống kê, đến giữa năm 2017, số lượng dân DCTD đến Lâm Đồng là 2.195 hộ, với 7.183 nhân khẩu, phần lớn đang sinh sống trong rừng, ven rừng và xen ghép tại các thôn, buôn chủ yếu tại các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Di Linh và Lạc Dương.
Cần chính sách phù hợp hơn
Từ thực tế tại Lâm Đồng cho thấy, việc tập trung nhiều chính sách hỗ trợ nơi đến nhiều hơn nơi đi của đồng bào DCTD đã tạo nên hiệu ứng ngược, khiến làn sóng DCTD đến Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng chưa giảm nhiều.
Công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý dân DCTD chưa tốt; tại một số nơi, năng lực quản lý của chính quyền cơ sở đối với dân DCTD chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có nơi còn xảy ra tình trạng buông lỏng, thiếu kiên quyết, trông chờ, ỷ lại cấp trên; tâm lý né tránh, e ngại, xem hiện tượng DCTD là “vấn đề nhạy cảm”, khiến tình trạng dân DCTD diễn ra dai dẳng, phức tạp.
Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ và không kém phần quan trọng là Nhà nước cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ các địa phương nơi có dân đi, để phát triển kinh tế -xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có đất sản xuất, có thu nhập ổn định.
Ban hành các văn bản pháp luật, tạo sơ sở để quản lý, xử lý tình trạng dân DCTD được thống nhất, hiệu quả. Nhất là cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ những khó khăn tại nơi ở mới, từ đó không nảy sinh tâm lý ảo tưởng, bỏ quê ra đi. Ngoài thực hiện tốt các giải pháp để ổn định dân DCTD đã di cư đến, địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ dân DCTD, phối hợp với các tỉnh có dân đi để thực hiện hồi cư với những dân DCTD mới đến.
Vũ Đình Đông