Vẫn còn những hạn chế tuy tăng trưởng vượt chỉ tiêu (25/01/2010)

**Những con số đáng khích lệ **

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2009 đạt 5,32%, vượt kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, theo đà suy giảm kinh tế những tháng cuối năm 2008, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý 1-2009 chỉ đạt 3,14%, là quý có tốc độ thấp nhất trong nhiều năm gần đây; nhưng quý 2, quý 3 và quý 4 của năm nay đã nâng dần lên, lần lượt là 4,46%, 6,04% và 6,9%. Và tính chung cả năm tổng sản phẩm trong nước tăng 5,32%, vượt mục tiêu kế hoạch là 5% đã điều chỉnh trước đó.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,18% của năm 2008 nhưng đã vượt mục tiêu 5% của kế hoạch đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, và kết quả trên là một thành công lớn.

“Điều này cho thấy kinh tế nước ta đã vượt qua thời kỳ suy giảm tăng trưởng, chứng tỏ các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế triển khai trong năm qua đã phù hợp với tình hình thực tế, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực”, Tổng cục Thống kê nhận định.

**Những hạn chế cần khắc phục **

GDP tăng khá, lạm phát kiềm chế, đầu tư khơi thông… Nhưng bên trong những con số thành tích ấy nổi lên trong năm qua là 4 hạn chế yếu kém, tồn tại ngay trong những kết quả đạt được.

Thứ nhất, Kết quả tăng trưởng 5,32% trong năm nay, nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả.

Năm 2009, vốn đầu tư phát triển đạt 704,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008. Với kết quả này, tỷ lệ đầu tư so với GDP đã tăng từ mức 41,3% trong năm 2008 lên mức 42,8% năm 2009. Tuy nhiên, tăng trưởng lại sụt giảm từ mức tăng 6,18% xuống 5,32%.

Thứ hai, Cơ cấu kinh tế tuy bước đầu có chuyển dịch nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất. Năm 2009, cơ cấu tổng sản phẩm 3 khu vực kinh tế chủ chốt bao gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ lần lượt là 20,66%; 40,24%; và 39,1%. Tỷ trọng này không khác nhiều so với năm 2008 và những năm gần đây.

Thứ ba, Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Cụ thể, nhập siêu hàng hóa năm 2009 tuy giảm 32,1% so với năm 2008 nhưng vẫn bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; nhập siêu dịch vụ bằng 18,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 17% so với năm 2008. Trong khi đó, kiều hối được dự báo sẽ giảm khoảng từ 1 đến 1,2 tỷ USD trong năm nay; dòng vốn FDI giảm lượng vốn chảy vào và tăng lượng tiền rút ra…

Một điểm đáng chú ý khác, lạm phát trong năm 2009 tuy đã được khống chế nhưng nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.

Thứ tư, Một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục; đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng bị ảnh hưởng của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn.

Nguyễn Hoàng